Hạ tầng sân bay quá tải, nhưng tại sao FLC vẫn tự tin lập hãng hàng không trong khi Vietstar Airlines liên tục bị từ chối?
Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines cho rằng, hãng hàng không của FLC không hề gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải như Tân Sơn Nhất, mà sẽ vận chuyển hành khách từ quốc tế đến thẳng các điểm nghỉ dưỡng của FLC.
- 02-06-2017“Bamboo Airways ưu tiên đưa khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch Việt Nam”
- 31-05-2017Tỷ phú Trịnh Văn Quyết bất ngờ lấn sân sang ngành hàng không, chi 700 tỷ lập Viet Bamboo Airlines
Mới đây, Tập đoàn FLC vừa gây bất ngờ khi ra quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines).
Hãng hàng không Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, vừa đủ để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ vận chuyển hàng không nội địa.
Việc FLC lấn sân sang lĩnh vực hàng không diễn ra trong bối cảnh hạ tầng sân bay tại Việt Nam đang quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hãng hàng không Vietstar Airlines bị từ chối cấp phép cho đến khi Tân Sơn Nhất hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay.
Vì vậy, có ý kiến lo ngại rằng, Viet Bamboo Airlines sẽ phải đợi rất lâu mới có thể "cất cánh". Tuy nhiên, phía Tập đoàn FLC lại rất tự tin và cho rằng chỉ đến cuối năm 2018, Viet Bamboo Airlines sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại.
Cụ thể, theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines, thay vì tập trung vào các thành phố lớn, vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Viet Bamboo Airlines sẽ tập trung vào các chuyến bay thẳng từ quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang...
Ông Thắng cho biết, hiện tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế. Nhưng ngược lại, một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất...
Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, ông Thắng cho rằng, hãng hàng không của FLC không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng.
Ông Thắng cho biết, FLC đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không. Trong tháng 6 này, FLC sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) để xin phê duyệt.
FLC đã và đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. Số lượng máy bay cụ thể sẽ được trình Cục Hàng không phê duyệt trong tháng 6.
Trí Thức Trẻ