Hạ tầng thương mại, đòn bẩy phát triển đô thị Sa Đéc
Trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, sự phát triển của hạ tầng thương mại, đặc biệt là những mô hình hiện đại sẽ trở thành đòn bẩy để các đô thị trẻ phát triển đúng tiềm năng.
Cơ hội "thăng tiến" của các loại hình thương mại hiện đại
Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia sở hữu thị trường bán lẻ có tiềm năng phát triển hàng đầu khu vực do tốc độ đô thị hóa nhanh và quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người).
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ và khu thương mại hiện đại của Việt Nam chỉ đạt khoảng 25%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Đồng thời theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2020, số người được xếp vào tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ vào khoảng 44 triệu người, đồng nghĩa với các nhu cầu mua sắm, giải trí tại các đô thị Việt Nam cũng ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, sự đổ bộ của "làn sóng" các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước như 7-Eleven, VinMart, Circle K, Lotte Mart, K-market… khắp các thành phố lớn cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các loại hình kinh doanh được đánh giá là phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay như shophouse (nhà phố thương mại), shopvilla (biệt thự thương mại)…
Theo thống kê, tỷ lệ hấp thụ dự án nhà phố, biệt thự thương mại tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… rất cao và đang lan mạnh sang các tỉnh lẻ - nơi có quỹ đất rộng và tốc độ đô thị diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên nguồn cung sản phẩm này lại khan hiếm do quỹ đất đô thị trung tâm ngày càng thu hẹp.
Lực tăng trưởng mới của Đồng Tháp
Trong bức tranh đô thị Việt Nam, Tây Nam Bộ đóng góp một lượng lớn các đô thị ở nhiều "phân khúc" khác nhau, với 34/181 đô thị từ loại I đến loại IV.
Thế mạnh mật độ đô thị dày đặc, dân số chiếm hơn 19% dân số cả nước cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, Tây Nam Bộ là thị trường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thương mại bán lẻ tên tuổi như Big C, Vinmart, Co.op Mart, Circle-K, Nguyễn Kim, Thế giới di động…
Là một trong những đô thị trọng điểm của khu vực Tây Nam Bộ, Sa Đéc (Đồng Tháp) sở hữu lợi thế cộng hưởng từ bề dày lịch sử 300 năm và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội cao, trung bình ba năm gần nhất đạt 9,34%.
Từ xưa, Sa Đéc đã nổi tiếng là một thị tứ đông đúc, trong đó, chợ Sa Đéc xưa đã tạo thành một đô thị phồn hoa nhờ hoạt động mua bán tấp nập. Ngày nay, Sa Đéc được biết đến là "thủ phủ hoa" lớn nhất miền Tây. Về thứ hạng, Sa Đéc nằm trong danh sách 50 đô thị hàng đầu Việt Nam trên tổng số 833 đô thị hiện hữu.
Đặc biệt, Sa Đéc hiện nay là một trong hai thành phố của tỉnh Đồng Tháp, địa phương được đánh giá là "ngôi sao" đang lên của Tây Nam Bộ với tốc độ phát triển ấn tượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động thương mại - dịch vụ tăng khá với tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, du lịch Đồng Tháp tiếp tục tạo được dấu ấn đột phá với tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn đạt khoảng 1,95 triệu lượt; tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại đã xuất hiện tại Sa Đéc như siêu thị CoopMart, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, trung tâm thương mại Vincom…, tuy nhiên, theo đánh giá chung, hạ tầng thương mại của Sa Đéc vẫn thiếu đồng bộ, hiện đại và nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về thương mại, dịch vụ chung của vùng.
Thiết kế và công năng vượt trội là điểm mạnh để shophouse trở thành loại hình thương mại tiềm năng tại Sa Đéc
Mới đây, Tập đoàn FLC đã chính thức khởi công dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec ở xã Tân Phú Đông, khu vực đang có tốc độ phát triển nhanh của thành phố.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của Sa Đéc, dự án tập trung phát triển hai sản phẩm chủ đạo là shophouse và shopvilla nằm dọc trên tuyến đường chính nội khu và kết nối trực tiếp với trục đường huyết mạch của thành phố như đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài, nơi có mật độ giao thông qua lại đông đúc. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng kinh doanh của các loại hình thương mại mới này.
Ngoài ra, dự án còn được chú trọng đầu tư hệ tiện ích cao cấp với nhiều hạng mục lần đầu tiên xuất hiện tại Đồng Tháp như không gian nghệ thuật, chợ đêm, công viên sinh thái, công viên thể thao, tổ hợp trung tâm thương mại, tổ hợp vui chơi – giải trí hiện đại… Hệ tiện ích này sẽ đóng vai trò là lực đẩy để các shophouse, shopvilla phát huy hết thế mạnh; từ đó đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ cao cấp và đưa Sa Đéc sớm trở thành một trong những đô thị hàng đầu tại Tây Nam Bộ.