Hà Tĩnh: Đất vàng chợ Hồng Lĩnh sẽ về tay ai?
Tiểu thương bị ép chuyển sang chợ mới, trong khi “đất vàng” chợ Hồng Lĩnh cũ do người dân hiến đất chưa biết sẽ về tay ai.
- 13-10-2016Ai sở hữu nhiều đất vàng Nguyễn Huệ nhất?
- 29-09-2016Đất “vàng” đầu tư phía Đông Hà Nội
Chợ dân sinh thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đi vào hoạt động tháng 01 năm 1997, chợ nằm ngay ngã tư Bãi Vọt - trung tâm của thị xã, với diện tích hơn 10.000m2, phía Bắc giáp quốc lộ 8A, phía Đông giáp quốc lộ 1A. Đây là vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán của tầng lớp tiểu thương.
Nói là chợ dân sinh vì có sự hiến đất của 47 hộ dân nằm trong khu vực chợ và sự đóng góp tiền bạc của tầng lớp tiểu thương. Để huy động nguồn vốn xây dựng, chính quyền đề ra chủ trương đấu thầu thời gian 6 năm với giá 10 triệu đồng/ki ốt rộng 4m2.
Hiến đất, góp vốn xây dựng chợ, nhiều tiểu thương phải đi vay mượn người thân họ hàng thậm chí cả vay lãi những mong có nơi kinh doanh, buôn bán ổn định lâu dài. Thế nhưng, trong khi nhiều tiểu thương vẫn chưa thu hồi được vốn bỏ ra thì họ lại bị “lùa” ra khỏi chợ cũ, để rồi tiếp tục phải bỏ tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ mới do một doanh nghiệp tư nhân xây dựng.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 4/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn số 1211/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh. Dự án trên do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư có với quy mô dự kiến 5,776ha và tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng (đã bố trí 10 tỷ đồng).
Sau đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã giao lại dự án trên cho công ty TNHH Như Nam thực hiện với hình thức cho thuê đất có thời gian 50 năm. Ngay lập tức, công ty Như Nam đã tiến hành xây dựng chợ mới, đồng thời UBND thị xã Hồng Lĩnh lên kế hoạch đưa các tiểu thương sang chợ mới do công ty Như Nam xây dựng.
Theo phản ánh của các tiểu thương: Trung tâm Thương mại tổng hợp, siêu thị mới được giao cho Công ty TNHH Như Nam đầu tư, xây dựng và thu hồi vốn. Theo tuyên bố của Công ty thì ai vào chợ mới phải đóng 50 triệu đồng/4m2 và đóng trước 4 năm. Trong khi ở chợ cũ, các tiểu thương chỉ phải bỏ ra 10 triệu đồng để thuê ki ốt cũng 4m2 trong 6 năm.
Trước những khó khăn của tiểu thương, đã không tìm cách tháo gỡ, Giám đốc Công ty Như Nam từng tuyên bố: “Không cần dân, chợ vẫn có người họp”.
Trong khi đó, từng trao đổi với báo chí, ông Đặng Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Công ty Như Nam cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, làm gì cũng phải cân nhắc, đặt tâm đức, chất lượng, lâu bền, an sinh xã hội. Ưu tiên hỗ trợ, miễn giảm từ 3 đến 12 tháng cho các hộ thuê ki-ốt, mặt bằng kinh doanh là thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, ảnh hưởng chất độc hóa học, hộ nghèo, kinh doanh tại đình G – chợ Hồng Lĩnh; cha, mẹ, chồng, vợ là thương binh, bệnh binh. Các hộ kinh doanh được thương thảo kí hợp đồng 1 năm, 2 năm hoặc 5 năm… Ngoài ra, còn miễn giảm 3 tháng đầu tiên về tiền điện, nước cho các tổ chức, cá nhân vào kinh doanh tại chợ, miễn hoàn toàn tiền thuê ki-ốt trong năm 2016 cho tất cả các tiểu thương”.
Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương đều có hợp đồng thuê ki ốt tại chợ Hồng Lĩnh có thời hạn đến 31/12/2016.
Trong một buổi trao đổi với PV, ông Lê Văn Bình Phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết, giá thuê ki ốt rộng 4m2 tại chợ Hồng Lĩnh mới là 160.000 đồng/4m2/tháng (tương đương gần 7,5 triệu đồng/ki ốt/năm). Con số này cao gấp nhiều lần so với việc các tiểu thương thuê ki ốt cùng diện tích tại chợ Hồng Lĩnh cũ (10 triệu đồng/ki ốt/6 năm).
Nhìn sơ qua có thể thấy lợi nhuận mà công ty Như Nam có thể thu được từ việc xây dựng chợ Hồng Lĩnh.
Được biết, tháng 8/2014, Công ty TNHH Như Nam chính thức khởi công xây dựng chợ và các hạng mục thuộc dự án.
Tuy nhiên, theo những tài liệu mà UBND thị xã Hồng Lĩnh cung cấp cho PV, tháng 3/2016, công ty TNHH Như Nam mới được sở Xây dựng Hà Tĩnh cấp phép xây dựng các hạng mục công trình thuộc Trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị thị xã Hồng Lĩnh gồm: 2 đình chợ chính, 1 đình chợ phụ và 54 căn nhà ở liền kề cao 3 tầng. Liệu có phải công ty TNHH Như Nam đã cầm đèn chạy trước ô tô gần 2 năm trước đó?
Cho đến hiện tại, công ty Như Nam đã cơ bản xây dựng xong các hạng mục được cấp phép. Các căn nhà liền kề mới xây xong phần thô cũng đã được công ty này bán. Theo tìm hiểu của PV, giá mỗi căn nhà liền kề tại đây có giá gần 3 tỷ đồng. Công ty Như Nam còn khẳng định với người mua nhà sẽ được cấp sổ đỏ vĩnh viễn, trong khi thời gian thuê đất của công ty này chỉ là 50 năm (!?).
Dư luận đặt dấu hỏi: Chợ cũ được quy hoạch 29.000m2 mới chỉ sử dụng chưa đến 11.000m2, diện tích còn lại để làm gì hay đã bán cho cá nhân. Công trình chợ mới đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng không đấu thầu mà lại giao cho Công ty Như Nam xây dựng và quản lí đúng hay sai? Sau khi di dời thì khu đất “vàng” của chợ cũ sẽ về tay ai, phải chăng dự án này cũng như dự án tái định cư ở xã Trung Lương, mục đích là thu hồi đất rẻ để bán đất đắt chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích ở địa phương?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bản tin tiếp theo…
An ninh tiền tệ