Hà Tĩnh tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam
Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc phía đông đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt. Ảnh: CTV
Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Hà Tĩnh triển khai quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ cũng như chất lượng công trình.
- 18-06-2022Chiến lược gì giúp tỉnh nghèo được rót gần 40.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp?
- 17-06-2022Tăng trưởng người giàu và siêu giàu của Việt Nam xếp thứ mấy trong khối ASEAN-6 trong 5 năm qua?
- 15-06-2022Nhờ đâu địa phương dẫn đầu tăng trưởng thu hút nhiều nhà đầu tư muốn rót chục tỷ USD vào sản xuất điện gió?
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần, được thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025.
Giai đoạn 2017 - 2020, dự án thành phần cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài gần 50 km với tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng, trong đó, đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km. Để đảm bảo dự án được triển khai đúng thời gian, huyện Đức Thọ đã hoàn thành sớm việc bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, phục vụ khởi công dự án từ tháng 5/2021.
Tại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt qua huyện Đức Thọ những ngày này, các nhà thầu dồn dức máy móc, thiết bị cùng đông đảo công nhân thực hiện công trình.
Để tăng tốc thi công các hạng mục cầu vượt quốc lộ 8, cầu vượt Hưng Đức, trạm dừng nghỉ, hệ thống đường gom, đường dẫn lên cao tốc… tại các xã Yên Hồ, Quang Vĩnh và Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ), liên danh các nhà thầu Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty TNHH Đại Hiệp, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên dồn sức triển khai một cách quyết liệt nhất.
Công ty TNHH Hòa Hiệp - một trong những đơn vị đảm nhận xây dựng cầu Hưng Đức (cầu vượt sông Lam) dài 4 km nối từ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) huy động 40 công nhân cùng 2 máy khoan cọc nhồi, 2 máy xúc, 2 máy cẩu cùng nhiều thiết bị khác, phục vụ việc thi công phần trụ cầu. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chất lượng, đến nay, khối lượng công việc đã hoàn thành đạt 30% kế hoạch.
Không khí làm việc khẩn trương, hối hả cũng đang hiện diện trên công trường thi công cầu vượt quốc lộ 8 dài 300m với 2 mố, 6 trụ mà Công ty TNHH Đại Hiệp đảm nhận. Đơn vị này hiện đã hoàn thành 1 mố và 1 trụ cầu, đang tiếp tục thi công 2 trụ cầu.
Phụ trách bộ phận kỹ thuật tại công trình kỹ sư Hà Huy Nguyên - Phó Chỉ huy công trường thông tin: “Đơn vị đã huy động nhân lực, vật lực, phương tiện, chia thành các ca thi công xuyên suốt cả ngày lẫn đêm với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tiến độ công trình”.
Chiều 18/6, thông tin từ Sở GTVT Hà Tĩnh, tổng giá trị khối lượng mà các nhà thầu thi công đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt qua huyện Đức Thọ ước đạt 56,52 tỷ đồng, trong đó, hạng mục cầu vượt quốc lộ 8 và cầu vượt Hưng Đức là 41,8 tỷ đồng, hệ thống các tuyến đường là 14,73 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đại Hiệp huy động nhiều máy móc, thiết bị và hàng chục công nhân ngày đêm thi công hạng mục cầu vượt quốc lộ 8. Ảnh: CTV
Ngoài đoạn tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, gồm: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng, với tổng chiều dài hơn 102 km, tổng mức đầu tư 20.230 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Phục vụ thi công dự án, Hà Tĩnh dự kiến thu hồi 900 ha đất, di dời 600 hộ dân, 950 ngôi mộ và xây dựng mới 28 khu tái định cư. Chi phí cho công tác GPMB khoảng 3.900 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, địa phương có 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua gồm: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng với tổng chiều dài 18,17 km, qua 7 xã Việt Tiến, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Đài, Thạch Xuân, Tân Lâm Hương, Nam Điền.
Địa bàn huyện Thạch Hà còn xây dựng thêm tuyến đường song hành cao tốc từ đường Hàm Nghi đến đường tỉnh 550 dài 3,94 km và tuyến đường Ngô Quyền kéo dài đến đường tỉnh 550 dài 4,66 km. Theo tính toán, huyện dự kiến thu hồi 151 ha đất các loại, di dời 233 hộ dân, 150 ngôi mộ và xây dựng 5 khu tái định cư cùng 1 khu nghĩa trang để di dời mộ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sáu: Từ 12,61/18,27 km mốc thực địa GPMB mà chủ đầu tư đã bàn giao, huyện đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và tài sản đối với 379 hộ, trong đó, 77 hộ dân xã Nam Điền, 242 hộ dân xã Tân Lâm Hương, 60 hộ dân xã Việt Tiến. Các địa phương còn lại cũng đang tích cực kiểm đếm các loại đất, công trình nằm trong phạm vi GPMB.
Thạch Hà cũng đã được tỉnh chấp thuận vị trí quy hoạch xây dựng 5 khu tái định cư và 1 nghĩa trang di dời mộ tại các xã: Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Tân Lâm Hương, Thạch Xuân, Thạch Đài và đang triển khai các bước tiếp theo.
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua huyện Can Lộc dài 19,43 km, đi qua 1 thị trấn và 8 xã với diện tích các loại đất phải thu hồi là 135,11 ha, 371 hộ dân phải di dời. Công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam vì thế cũng được cấp ủy, chính quyền huyện đặt lên hàng đầu.
Trong tháng 6 này, Can Lộc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp, vận động người dân phối hợp trong quá trình cắm mốc, đo vẽ bản đồ, kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất và bảo vệ các mốc giới tại khu vực tuyến đi qua.
Đến nay, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long đã bàn giao 100% mốc thực địa GPMB dự án cho huyện Can Lộc. Theo đó, địa phương đã kiểm đếm đất nông nghiệp của 234 hộ ở xã Kim Song Trường và thị trấn Đồng Lộc.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lê Anh Sơn, tính đến đầu tháng 6, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) - chủ đầu tư 3 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh đã bàn giao mốc thực địa GPMB được 94,28/102,44 km, đạt khối lượng 92,3%.
Trong số 6 địa phương có tuyến cao tốc đi qua, đến nay, các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đã nhận bàn giao 100% mốc thực địa GPMB dự án; với 2 địa phương còn lại thì Thạch Hà tiếp nhận 12,61/18,27 km (đạt 69%), huyện Cẩm Xuyên tiếp nhận 24,53/27,03 km (90,75%).
Căn cứ trên cơ sở cọc mốc GPMB mà chủ đầu tư bàn giao, 6 huyện, thị xã của Hà Tĩnh đang đẩy nhanh công tác kiểm đếm, kiểm kê các loại đất, công trình, kiến trúc nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án.
"Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và 6 địa phương, tin rằng, Hà Tĩnh sẽ hoàn thành mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT” - Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn cho hay.
Nhà đầu tư