MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Văn Thắm bị "tố" dùng lời đe dọa để mua lại ngân hàng Đại Tín

01-03-2017 - 15:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo lời khai của người đại diện nhóm bà Phấn, Hà Văn Thắm có những email với lời lẽ không tốt với nhóm bà Phấn. Đến tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn. Bà Phấn không muốn chuyển nhượng cho Phạm Công Danh nhưng Thắm đã tác động.

Tại phiên tòa sáng ngày xét xử thứ ba trong vụ án Hà Văn Thắm, bà Ngô Kim Lan là người đại diện cho 7 người nhóm bà Phấn trình bày, khoảng cuối tháng 2/2012, ông Thắm đã có hợp đồng kinh tế với nhóm bà Hứa Thị Phấn về việc chuyển nhượng NH Đại Tín.

Để có được toàn bộ hợp đồng hơn 84% cổ phần một cách nhanh gọn và khó hiểu như thế là do Hà Văn Thắm có đe dọa đến thân phận cũng như hoạt động của Đại Tín. Với tình hình sức khỏe, bà Phấn chỉ đạo nhóm con cháu và các cổ đông để ký hợp đồng cho bị cáo Thắm.

"Các thủ tục có vấn đề gì đó rất khó tả, là dân sự hay cưỡng đoạn. Anh Thắm bay vào rồi bay ra ngay, để nhân viên ở lại và cầm toàn bộ cổ phần ra", bà Lan cho biết.

Sau đó nhân viên của Hà Văn Thắm vào NH Đại Tín, nhưng họ vào thì tình trạng ngân hàng ngày càng xấu đi. Đến tháng 4/2012, có nhiều đối tác muốn bà Phấn nhượng lại Đại Tín. Bà Phấn liên lạc với Thắm muốn xin lại cổ phần nhưng ông Thắm không cho.

Theo bà Lan, Hà Văn Thắm có những email với lời lẽ không tốt với nhóm bà Phấn. Đến tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn. Bà Phấn không muốn chuyển nhượng cho Phạm Công Danh nhưng Thắm đã tác động. Sau đó đại diện bà Phấn đã ký về mặt bàn giao thủ tục, nhưng thực chất là ông Thắm giao cổ phần NH Đại Tín cho Phạm Công Danh.

"Việc hợp đồng bán ngân hàng là anh Thắm bán cho anh Danh, anh Thắm giao cho anh Danh chứ bản chất không phải bà Phấn, bà Phấn chỉ ký kết", đại diện nhóm bà Phấn khai trước tòa.

Sau khi Phạm Công Danh vào tiếp quản, ông Danh có những điều khoản trong chuyển giao. Các quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong đó, ông Danh rất nhiều lần xin gia hạn.

Cuối năm 2012, Phạm Công Danh có nói với bà Phấn là muốn vay ở tiền Oceanbank nhưng khoản thế chấp đất tại Tô Hiến Thành, TP.HCM (do Công ty Trung Dung quản lý) chưa đủ tư cách pháp lý. Bên cạnh đó Danh cũng không muốn đưa tài sản lớn đi vay tài sản nhỏ như vậy.

Phạm Công Danh đã đề nghị bà Phấn cho mượn tài sản để vay tiền và trong 3 tháng sẽ hoàn trả. Sau khi ký sẽ lại gia hạn tối đa 1 năm trả lại tài sản.

Theo lời bà Lan, bà Phấn thấy cả cả ông Danh và ông Thắm đều trẻ, giàu có nên bà Phấn muốn chuyển giao vì muốn NH hoạt động tốt lên và không muốn nhân viên bị đuổi. Sau khi bàn với con cháu thì con cháu đồng ý. Lúc đó ông Danh có tài sản 50 tỷ USD, rất giàu, nên bà Phấn tin tưởng.

Sau thời gian một năm, gia đình bà sáu Phấn có gửi văn bản đòi Công ty Trung Dung số tài sản công ty này mượn nhưng công ty này không trả.

Nhóm 7 người của bà Phấn đã có đơn xin nhận lại tài sản, đặc biệt là các bất động sản. Lý do họ buộc phải ký hợp đồng cầm cố với OceanBank vì bị cưỡng ép (họ ký tại trụ sở của một công ty chứ không phải tại trụ sở của ngân hàng); do bị đe dọa rằng nếu không giúp đỡ để cứu ngân hàng sẽ bị bắt; họ có đơn xin nhận lại tài sản vì khi đi ký như vậy là không phù hợp quy định của thế chấp và cổ phiếu cũng chưa có giá trị pháp lý giao dịch trên thị trường. Đề nghị HĐXX xem xét vô hiệu các tài sản đó và tuyên trả lại tài sản cho nhóm này.

Đối chất lời khai của Phạm Công Danh, bị cáo Danh cho hay, lời người đại diện của bà Phấn có đúng, có sai.

"Tôi xác nhận anh Thắm khai chiều hôm qua rằng số tiền anh Thắm cho vay thì bà Phấn là người gọi trực tiếp cho anh Thắm nhờ hỗ trợ cho ngân hàng trong giai đoạn khó khăn. Người đại diện bà Phấn nói rằng bà Phấn không biết việc này là hoàn toàn sai, tôi xác nhận những gì anh Thắm nói là đúng. Nhóm bà Sáu Phấn và HĐQT rất sợ ngân hàng mất thanh khoản, mà hậu quả đã xảy ra rồi. Tôi nói rõ nhóm bà Phấn có nhiều vấn đề trong ngân hàng, ví dụ có tài sản hơn 100 tỷ mà bán cho ngân hàng hơn 1.000 tỷ. Các sự thật này tôi là người có căn cứ. Chính tôi mới là người bị lừa", bị cáo Danh khai trước tòa.

Về lời đe dọa như cáo buộc của đại diện nhóm bà Sáu Phấn, theo Hà Văn Thắm cho rằng chỉ phân tích dựa trên hiểu biết của mình về tình trạng của NH.

"Bị cáo phân tích cho bà Phấn nghe bằng những hiểu biết của bị cáo. Anh Danh nói rằng sẽ khắc phục được. Bị cáo nói rằng cô không làm được, cháu cũng không làm được, có anh Danh làm được. Nếu cho rằng đó là đe dọa thì bị cáo cũng chẳng nói được gì", Hà Văn Thắm giải trình.

Thắm cho biết thêm: "Có chuyện bà Phấn gọi nhờ thì lúc đó khoản vay đã ký rồi. Bà Phấn nói cô có đưa tài sản đảm bảo, cô nghe nói hồ sơ đang trên bàn, cháu ký giúp cô cô đau đầu quá. Bị cáo cũng cho rằng mình không mua bán cổ phần với Phạm Công Danh mà trực tiếp bà Phấn và Phạm Công Danh làm việc với nhau".

Trong khi đó, Phạm Công Danh khai rằng, việc bà Phấn đưa tài sản cho Phạm Công Danh cầm cố vì sợ trách nhiệm liên quan đến Ngân hàng Đại Tín. Bị án Phạm Công Danh cũng cho hay, ông ta đã bỏ rất nhiều tiền vào Ngân hàng Đại Tín.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên