HAGL công bố phương án phát hành 1.700 tỷ mới, dồn tiền cho công ty trồng chuối
Thứ tự ưu tiên được HAGL tiếp tục nêu rõ, theo trình tự là (1) bổ sung vốn cho Hưng Thắng Lợi, (2) trả nợ gốc trái phiếu và (3) bổ sung vốn cho Gia súc Lơ Pang.
- 24-09-2022Bầu Đức: 'Tôi quyết tâm xóa hết nợ để khỏi bị thị phi'
- 22-09-2022Hoàng Anh Gia Lai trả nợ trước hạn thêm 605 tỷ đồng
- 28-08-2022Quyết tâm trở lại của bầu Đức
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố thông tin về phương án phát hành riêng lẻ năm 2022. Trong đó, số lượng chào bán không thay đổi là 162 triệu cổ phiếu, giá bán vẫn ở mức 10.500 đồng/cp (thấp hơn so với thị giá hiện nay), danh sách nhà đầu tư tham gia giữ nguyên (2 tổ chức, 7 cá nhân trong đó có 5 cá nhân là cổ đông của HAG).
Tăng nguồn vốn cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai, "cắt bớt" nguồn vốn cho Gia súc Pơ Lang
Thay đổi lần này liên quan đến phương án sử dụng vốn. Trong đó, HAG ưu tiên chi thêm tiền với gần 800 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động thông qua hình thức cho vay với công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Chi 400 tỷ cho công ty Gia súc Lơ Pang để đầu tư dự án trồng cây tại Gia Lai và 500 tỷ đồng để trả nợ gốc khoản trái phiếu trước hạn HAGLBOND16.26. Thời gian thực hiện trong năm nay.
Thứ tự ưu tiên được HAG tiếp tục nêu rõ, theo trình tự là (1) bổ sung vốn cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai, (2) trả nợ gốc trái phiếu và (3) bổ sung vốn cho Gia súc Lơ Pang.
Hưng Thắng Lợi Gia Lai sở hữu 2 công ty tại Lào, hoạt động kinh doanh chủ yếu là trồng và kinh doanh chuối: Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp Đại Thắng và Công ty TNHH MTV phát triển nông nghiệp Khăn Xay.
Theo phương án công bố lần trước, HAGL phát hành nhằm (1) Cho công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay 500 tỷ đồng để hoạt động kinh doanh, (2) Cho CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang vay 700 tỷ đồng để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái, (3) Trả nợ gốc 500 tỷ đồng đối với khoản trái phiếu do Hoàng Anh Gia Lai phát hành ngày 30/12/2016 mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Glory Land và quỹ Việt Cát vẫn rót vốn cho HAGL
Danh sách nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HAGL không thay đổi so với lần công bố mới nhất nhưng lần này không công bố số lượng đăng ký.
Công ty Glory Land đã có tên trong danh sách nhà đầu tư ở lần công bố đầu tiên với lượng cổ phần đăng ký là 95,2 triệu đơn vị - tương đương 8,74% cổ phần của HAGL sau phát hành.
Tuy nhiên sau đó vài ngày, Glory Land thông báo giảm khối lượng mua xuống còn 38 triệu đơn vị, tương ứng với tỷ lệ sau chào bán đạt 3,5%. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Tùng Quân cũng giảm 7,6 triệu đơn vị dự kiến mua xuống còn 11,3 triệu cổ phiếu.
Glory Land được thành lập vào năm 2014 với gọi CTCP AAMILK, vốn điều lệ ban đầu là 100 triệu đồng. Công ty này gây chú ý vì bà Cao Thị Ngọc Sương – vợ chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn – nắm giữ 89,9% vốn. Theo đăng ký kinh doanh mới nhất thay đổi vào tháng 12/2020, Glory Land có vốn điều lệ 398 tỷ đồng.
HAG cũng nhấn mạnh, nếu số tiền thu về thiếu hụt, Công ty sẽ chủ động tìm kiếm các nguồn thay thế để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đã đề ra.
Mới đây, HAG cũng đã công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn, giá trị là 605 tỷ đồng cho lô HAGLBOND16.26. Thời gian dự kiến trong vòng 10 ngày kể từ ngày công bố (ngày 22/9/2022).
Bầu Đức: Quyết tâm xoá sạch nợ ngân hàng vào năm 2025, để không còn thị phi
Được biết, bên cạnh phát triển kinh doanh (với mô hình trồng chuối – nuôi heo ăn chuối), trả nợ cũng là một chủ trương lớn của HAG.
Thực tế, năm 2021, HAG liên tục bán ra cổ phiếu HNG và tái cơ cấu nợ. Giữa năm 2021, HAGL đã mua lại 328 tỷ nợ trước hạn tại HDBank. Theo kế hoạch năm 2023, nếu giá cổ phiếu HNG ở mức tốt, HAG sẽ bán toàn bộ hơn 100 triệu cổ phiếu này để thanh toán nợ ngân hàng.
“Với cổ phiếu HNG, công ty xác định không phải là công ty tài chính nên chủ trương cầm cổ phiếu là không có, HAG sẽ bán để thu tiền trả nợ. Chưa kể, nếu có đối tác phù hợp HAGL có thể phát hành thêm để tất toán luôn 10.000 tỷ nợ hiện nay”, bầu Đức từng chia sẻ.
Cùng với đó, HAG theo người cầm cương có thể bán tiếp các tài sản không sinh lời như Bệnh viện HAGL và một số tài sản trên đất khác, dự thu về hàng trăm tỷ đồng cũng để phục vụ việc trả nợ.
Với nguồn tiền từ HĐKD, năm 2023, HAG dự kiến lợi nhuận tăng gấp 3-4 lần so với năm nay, lên mức 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó Công ty sẽ dành 1.000-1.500 tỷ đồng để trả nợ.
Sang năm 2024, HAG sẽ có thêm khoảng lợi nhuận từ 1.000ha sầu riêng đến mùa thu hoạch. Nếu mọi chuyện thuận lợi, năm 2024-2025 bầu Đức kỳ vọng HAG sẽ xóa hết nợ ngân hàng.
Điểm lại, dư nợ của HAG đã giảm từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng (năm 2016) và hiện về mức 14.000 tỷ đồng (giữa năm 2022). Trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức 28.000 tỷ xuống còn 8.000 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty đã chính thức tách bạch nợ và tài sản đảm bảo với HNG tại BIDV. Hiện, HNG đang nợ HAG 2.100 tỷ đồng. Nếu 4 tháng cuối năm, HAG thu được hết khoản nợ từ HNG, khoản nợ ngân hàng cuối năm nay sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng.
"Khoản nợ vay này không lớn nhưng tôi vẫn quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi", bầu Đức chia sẻ với báo giới.
Nhịp sống thị trường