MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HAGL đi trồng trái cây: Quy mô không kém cạnh nhiều so với các công ty lớn nhất thế giới

15-07-2017 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ có lợi thế về quỹ đất nông nghiệp trải rộng khu vực tam giác Đông Dương, HAGL đang và sẽ tập trung vào các loại trái cây nhiệt đới, phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, bao gồm Thanh long, Chanh dây, Chuối và Xoài. Dự kiến đến cuối năm 2018, HNG sẽ đưa thêm Mít, Bưởi, Cam, Ổi vào tiêu thụ.

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây của HAGL với tựa đề “In Fruit They Trusted”.

Trong báo cáo, BSC đánh giá HAGL hiện đã thu được những kết quả đầu tiên từ chanh dây. Nếu các loại trái cây khác được trồng và tiêu thụ thành công thì lợi nhuận và dòng tiền sẽ có sự cải thiện lớn.

HAGL đã bắt đầu trồng cây ăn quả từ tháng 2/2016 và tính đến tháng 5/2017, HAGL đã đầu tư 18.686 ha cho 18 loại cây ăn quả tại Việt Nam, Campuchia, Lào. Quy mô này dẫn đến lợi thế của doanh nghiệp trên 3 mặt (1) quy mô, (2) khí hậu và (3) chu kỳ thu hoạch ngắn.

Về quy mô, so sánh với hai doanh nghiệp trái cây lớn nhất Thế giới là Del Monte (diện tích cây ăn trái sở hữu là 25.374 ha; diện tích đi thuê là 18.049 ha) và Dole Food (tổng diện tích cây ăn trái 47.348 ha) thì diện tích và quy mô của HAGL đang ở mức tương đối lớn và tiềm năng so với khu vực.

Nếu so sánh với các đơn vị trồng trái cây lớn tại khu vực châu Mỹ và Châu Âu, nông trại trồng táo/lê có diện tích lớn nhất là 3.642 ha, trồng nho có diện tích lớn nhất là 16.187 ha và trồng quả hỗn hợp có diện tích lớn nhất là 3.361ha, đều nhỏ hơn so với diện tích của HAGL. Nhờ vậy HAGL có lợi thế khi áp dụng tiêu chuẩn chất lượng (Global Gap) và lợi thế khả năng cung cấp cho đối tác.

Không chỉ có lợi thế về quỹ đất nông nghiệp trải rộng khu vực tam giác Đông Dương, HAGL đang và sẽ tập trung vào các loại trái cây nhiệt đới, phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, bao gồm Thanh long, Chanh dây, Chuối và Xoài. Dự kiến đến cuối năm 2018, HNG sẽ đưa thêm Mít, Bưởi, Cam, Ổi vào tiêu thụ. Đây được coi là lợi thế cạnh tranh của HNG khi hướng tới thị trường xuất khẩu, mà trước mắt là thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chu kỳ thu hoạch các loại trái cây khá ngắn, chỉ từ 0,5 năm đến 33 năm sẽ giúp khắc phục được điểm yếu của các loại cây dài ngày (cao su, cọ dầu). Diện tích mảng trái cây của HAGL dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ đạt khoảng 20.800 ha bao gồm Campuchia (10.000 ha), Lào (8.000 ha) và Việt Nam (2.800 ha).

HAGL kỳ vọng biên lợi nhuận tốt hơn nhờ lợi thế về Quy mô và Chuỗi giá trị trái cây

BSC cho biết, trên thị trường tiêu thụ nông sản có tình trạng phổ biến về chênh lệch giữa giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng và giá bán của người nông dân. Bên cạnh đó giá bán lẻ cũng ít biến động hơn rất nhiều so với giá bán đầu vào. Do vậy mỗi khi có chênh lệch về cung cầu thì sẽ diễn ra tình trạng giải cứu nông sản (như thịt lợn, bí đỏ, dưa hấu...) và người nông dân thu được lợi nhuận bấp bênh nhất so với cả chuỗi giá trị.

Trong số các mặt hàng nông sản thì trái cây là mặt hàng mà có chênh lệch giữa giá bán của người nông dân và giá bán lẻ lớn nhất. Điều này được giải thích bởi cấu thành của chỗi giá trị trái cây nghiêng phần lớn vào khâu phân phối (gồm nhiều người trung gian), trong khi người nông dân phổ biến chỉ nhận được từ 10 – 25% giá trị so với giá bán cuối cùng.

Hiện tại, biên lợi nhuận mảng trái cây của nông dân khá thấp do (1) Đầu ra bấp bênh, (2) Sản lượng thấp, tiêu chuẩn không thống nhất, do vậy trái cây phần lớn phải bán qua nhiều đầu mối thương lái.

So sánh với trung bình tại Việt Nam (phần lớn trang trại dưới 1ha), HAGL có diện tích gieo trồng lớn và thửa lớn, dẫn đến 2 lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp so với các hộ trồng trái cây (1) Quy mô sản lượng đủ lớn để làm việc trực tiếp với người mua lớn mà không phải qua khâu trung gian (thường từ 3-4 người trung gian) như giao dịch thông thường của nông dân (thương lái gom hàng từ nông dân để đủ số lượng xuất khẩu); (2) Tăng chất lượng và mức độ đồng đều của sản phẩm (áp dụng tiêu chuẩn Global Gap, so với nông dân tại Việt Nam tỷ lệ chỉ đạt tầm 0,5% tùy từng loại quả).

BSC cho rằng lợi nhuận của HAGL sẽ đến từ việc trồng cây và logistic. Cụ thể, HAGL đang có lợi thế về chuỗi cung ứng khép kín từ trồng cây -> Thu hoạch -> Phân loại, đóng gói, bảo quản lạnh -> Kiểm định, vận tải bộ/biển, thông quan -> Các nhà phân phối tại chợ đầu mối. Nhờ vào lợi thế của chuỗi giá trị này, biên lợi nhuận của HAGL có thể cao hơn hẳn so các thương lái nội địa và công ty xuất nhập khẩu.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên