MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải An (HAH): LNST cả năm ước cao kỷ lục 389 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch, mục tiêu nâng lãi lên 550 tỷ trong 2022

Hải An (HAH): LNST cả năm ước cao kỷ lục 389 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch, mục tiêu nâng lãi lên 550 tỷ trong 2022

Tổng doanh thu Hải An ước thực hiện trong năm 2021 xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 114,38% kế hoạch.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021.

Cụ thể, tổng sản lượng ước thực hiện trong năm 2021 đạt 1,019 triệu TEU, vượt gần 5% kế hoạch đề ra. Trong đó, hoạt động sản lượng khai thác tàu ước đạt 421 nghìn TEU, khai thác cảng ước đạt 421 nghìn TEU còn sản lượng Depot ước 119 nghìn TEU.

Tổng doanh thu Hải An ước thực hiện trong năm 2021 xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 114,38% kế hoạch. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ước đạt 389 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần mục tiêu đề ra.

Hải An (HAH): LNST cả năm ước cao kỷ lục 389 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch, mục tiêu nâng lãi lên 550 tỷ trong 2022 - Ảnh 1.

Trước đó, Hải An đã công bố kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm với 1.284 tỷ đồng doanh thu thuần và 284 tỷ đồng LNST. Như vậy, riêng trong quý 4/2021, ước tính doanh nghiệp cảng biển này đã ghi nhận doanh thu vào khoảng 616 tỷ đồng và LNST ước đạt 104 tỷ đồng.

Có thể thấy, giá cho thuê tàu cũng như giá cước vận tải tăng "nóng" trong bối cảnh nhu cầu vận tải hồi phục mạnh mẽ đã thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của Hải An, đặc biệt là khi đây là doanh nghiệp đang nắm giữ vị trí số 1 về vận tải container tại Việt Nam.

Hải An (HAH): LNST cả năm ước cao kỷ lục 389 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch, mục tiêu nâng lãi lên 550 tỷ trong 2022 - Ảnh 2.

Bước sang năm 2022, Hải An đặt ra mục tiêu tổng sản lượng 948 nghìn TEU. Kế hoạch doanh thu đặt ra là 2.388 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 26% so với ước thực hiện trong năm 2021. Qua đó, LNST hợp nhất kỳ vọng đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với ước đạt trong năm nay.

Về kế hoạch đầu tư trong năm mới, Hải An dự kiến sẽ đầu tư mua thêm 1-2 tàu container đã qua sử dụng loại 1.600-1.700 TEU; đồng thời đóng mới 2 tàu container 1.800 TEU loại "SDARI Bangkok MAX IV". Hiện, HĐQT Hải An đã phê duyệt dự án đầu tư mua tàu Marine Bia đóng năm 2008 tại Nhật Bản của chủ tàu Fresh South Shipping S.A.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để đầu tư Depot hoặc bến cảng tại khu vực Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Miền Trung khi có cơ hội.

Sắp tới, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, HĐQT Hải An sẽ trình lên cổ đông các phương án tri trả cổ tức năm 2021, phát hành cổ phiếu ESOP năm 2022 và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn phục vụ các dự án đầu tư cho giai đoạn 2022-2024.

Thông tin liên quan, Hải An đã công bố quyết định về việc cử ông Phạm Văn Dưỡng thay cho ông Vũ Ngọc Sơn trở thành người đại diện phần vốn góp có giá trị hơn 46,4 tỷ đồng của Hải An tại Công ty TNHH Pan Hải An.

Trên thị trường, cổ phiếu HAH đã có một năm 2021 diễn biến vô cùng tích cực khi liên tục phá đỉnh mới, leo lên mức thị giá kỷ lục 75.700 đồng/cổ phiếu (17/11), tương ứng tăng gấp 4,4 lần kể từ đầu năm. Hiện tại, giá cổ phiếu đang điều chỉnh tại vùng giá đỉnh, chốt phiên 23/12 đạt 67.100 đồng/cổ phiếu.

Hải An (HAH): LNST cả năm ước cao kỷ lục 389 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch, mục tiêu nâng lãi lên 550 tỷ trong 2022 - Ảnh 3.

Cổ phiếu HAH đã tăng gấp khoảng 4 lần trong năm 2021

Trong báo cáo triển vọng gần đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, mặc dù sản lượng vận tải nội địa vẫn chịu ảnh hưởng do dịch bệnh lan mạnh tới khu vực sản xuất và có một tàu tạm nghỉ để lên đà bảo dưỡng, song, nhờ việc gia tăng thị phần và đóng góp lớn từ các tàu cho thuê, Hải An vẫn tăng trưởng ấn tượng.

SSI Research đánh giá Hải An đã liên tục mở rộng đội tàu và gia tăng sản lượng qua việc phê duyệt kế hoạch đầu tư 3-4 tàu container mới (tăng 55% công suất) trong giai đoạn 2021 - 2024, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để củng cố vị trí số 1 về vận tải container tại Việt Nam.

Ngoài ra, mặc dù giá dầu nhiên liệu đã tăng rất mạnh, tuy nhiên chi phí nhiên liệu thường chiếm 30% tổng chi phí, do vậy mức tăng giá cước vận tải có thể hoàn toàn đủ bù đắp sự gia tăng chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, kể từ quý 4/2021, số lượng tàu cho thuê sẽ tăng từ 2 lên 3 tàu, trong khi số lượng tàu tự vận hành sẽ giảm từ 6 xuống 5 tàu, điều này giúp HAH giảm được rủi ro liên quan giá dầu nhiên liệu tăng.

SSI Research dự phóng mức lãi ròng của HAH sẽ đạt 566 tỷ đồng, ứng với tăng 71% so với cùng kỳ trong năm 2022. Theo đó, HAH đang giao dịch với hệ số P/E năm 2021 và 2022 lần lượt là 9,9 lần và 5,5 lần - mức định giá khá hấp dẫn.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên