"Hai bên cùng cưới" - trào lưu kết hôn như ly hôn ở Trung Quốc: Cuộc sống nhân đôi, giới trẻ giãy giụa trong "vũng lầy tham vọng" của gia đình
Trào lưu kết hôn "hai bên cùng cưới" thịnh hành tại khu vực trung bộ Trung Quốc và được xã hội ca ngợi như một phương thức kết hôn bình đẳng, văn minh, mang ý nghĩa giải phóng phụ nữ cao. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, bản chất thực của "hai bên cùng cưới" đã dần được hé lộ...
- 22-02-2021Giữa đại dịch COVID-19, giới thượng lưu ở Mỹ sẵn sàng chi tới 20.000 đô la/ngày để ly hôn càng nhanh càng tốt
- 18-02-20213 thói quen đơn giản của những người sống tại “vùng đất trường thọ” có thể giúp bạn hạnh phúc và khỏe mạnh trong thời kỳ đại dịch
- 17-02-2021Tâm sự của những người độc thân giữa đại dịch COVID-19: Vì dịch, tôi đã 3 tháng không chạm vào người khác!
Vợ chồng Đặng Lệ đã kết hôn được 7 năm, họ chỉ có 1 cô con gái sắp lên tiểu học. 7 năm trước, trong bệnh viện, nhà mẹ đẻ cô đã giành được quyền đặt tên họ cho cháu thông qua hình thức bốc thăm. Từ đó, đứa trẻ mang họ mẹ.
Hình minh họa
Tại khu vực Giang Nam (Trung Quốc) từ thời Minh - Thanh đã hình thành 2 hình thức kết hôn: gả chồng và ở rể. Khi thế hệ con một đầu tiên tại Trung Quốc đến tuổi kết hôn, "hai bên cùng cưới" bắt đầu lưu hành tại 2 tỉnh Chiết Giang và Giang Tô (Trung Quốc). Khu vực phía nam Giang Tô gọi hình thức kết hôn này là "không gả không cưới", còn ở Tô Châu người ta lại gọi là "ngồi cả 2 bên", hàm ý là sống ở cả 2 bên gia đình.
Quyền đặt tên họ
Mỗi dịp xuân sang, Tôn Ân và chồng đều phải đi ăn 2 lần cơm Tất niên ở 2 bên nội ngoại. Chủ đề Tất niên năm nay chính là sinh con, mẹ chồng Tôn Ân thuận miệng hỏi: "Các con khi nào mới sinh cháu đây?"
"Năm nay sinh ạ." - Đáp án của 2 vợ chồng khiến bà rất hài lòng. Tôn Ân và chồng muốn nghĩ một cái tên cho con gái, về phần con trai, họ vẫn không dám nghĩ đến. Mẹ chồng nghe được liền nói, bà cũng muốn xem xem có phạm húy ai trong nhà không.
Trong một gia đình "hai bên cùng cưới", họ tên của con cái luôn là chủ đề nhạy cảm. "Chỉ có thể trông đợi vào ý trời." - Tôn Ân nói. Cô kỳ vọng vào kết quả "con đầu là gái, con út là trai" với xác suất xảy ra là 25% , bởi theo ước định trước khi kết hôn của 2 nhà, cháu đầu sẽ mang họ cha, cháu thứ 2 sẽ mang họ mẹ. Tôn Ân mong muốn con trai sẽ mang họ mình.
Nếu như kết quả 25% xác suất kia thực sự xảy ra, có thể dẫn đến nội ngoại phân tranh. "Có thể lúc đó mọi người sẽ muốn đổi lại họ giữa chị và em trai." - Tôn Ân nói bản thân cô không cần, chỉ sợ con gái mình để ý chuyện này, nhưng cũng không còn cách nào khác.
Hình minh họa
"Hai bên cùng cưới", không cần hồi môn, không cần sính lễ, quan trọng nhất là trước đám cưới phải "hợp đồng" với nhau sinh 2 đứa con, thường đứa thứ nhất sẽ mang họ cha, đứa thứ 2 sẽ mang họ mẹ. Nếu không xác định rõ ràng, sau này "chiến tranh" kéo dài là điều không tránh khỏi.
Vương Quân, người Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vốn có quyền cho con thứ 2 mang họ mình, nhưng cô đã "nhường lại" quyền lợi này cho chồng, để 2 đứa con trai đều mang họ cha. Cô lo lắng hai anh em khác họ sẽ khiến ông bà nội ngoại thiên vị đứa cháu mang họ nhà mình, nhưng cũng chính vì vậy mà cô và cha mẹ đẻ cãi nhau mãi không thôi.
Lo lắng như Vương Quân không phải là không có lý, bởi có nhiều bậc ông bà chỉ để lại tài sản thừa kế cho đứa cháu mang họ nhà mình. Một vị học giả ở Giang Tô đã nghiên cứu và phát hiện có trường hợp ông bà đến nhà trẻ đón cháu, lại chỉ đón cháu trai mang họ mình, còn cháu gái khác họ thì mặc kệ.
Mô tả "hai bên cùng cưới" trong phát biểu Giang Thôn Kinh Tế của nhà xã hội học Phí Hiếu Thông năm 1938
Hiện tại, con lớn của Vương Quân đã vào lớp 1, ở tại nhà ông bà nội, còn con nhỏ thì học mần non, ở tại nhà ông bà ngoại. 2 đứa trẻ có hộ khẩu tại 2 nhà khác nhau, không cùng 1 khu vực, tương lai khó mà học chung 1 trường được. Vợ chồng Vương Quân cũng vì vậy mà sống riêng, mỗi ngày chỉ có thể liên lạc với nhau thông qua video call.
Nỗi đau của con trẻ trong những gia đình "hai bên cùng cưới" dường như đều bắt nguồn từ những so đo, toan tính của người lớn.
Cuộc sống nhân đôi
Ăn 2 bữa Tất niên, đi thăm thân thích cả 2 bên, đương nhiên sẽ nhận 2 phần tiền mừng tuổi... đó chính là mùa xuân của những gia đình "hai bên cùng cưới". Họ được hưởng tài nguyên gia đình, tình cảm họ hàng gấp đôi những gia đình phổ thông khác.
Nếu không phải "hai bên cùng cưới", sẽ không có nhiều điều "rắc rối" như vậy, không cần thăm viếng nhà mẹ vợ và thân thích bên vợ, nếu 2 bên nội ngoại xung đột, cũng sẽ "ưu tiên" bênh vực bên nội trước, đây cũng chính là điều diễn ra xưa nay tại Trung Quốc.
Hình minh họa
Chu Kiệt và vợ là "hai bên cùng cưới". Trước khi cưới, mẹ vợ nói bóng gió đến tiền sính lễ. Mẹ Chu Kiệt vốn không định chuẩn bị tiền sính lễ, nghe nói vậy liền dứt khoát đưa ra 880 nghìn tệ (hơn 3,1 tỉ) làm sính lễ, gấp đôi số tiền nhà gái "bóng gió" khi ấy. Không ngờ, sau khi kết thúc hôn lễ, bố mẹ vợ đã hoàn trả lại tất cả 880 nghìn tệ, còn tự thêm vào đó 880 nghìn tệ, cuối cùng tất cả đều "rơi" vào tài khoản của đôi vợ chồng son.
Đặng Lệ nói trước khi "hai bên cùng cưới" xuất hiện, những gia đình có con gái một thường tìm con rể là người địa phương khác, đàn ông bản địa cũng cưới không nổi một người vợ cùng quê, và "hai bên cùng cưới" đã cho bài toán nan giải này 1 đáp án. "Xem như đã giải cứu được tôi, tôi không bị bắt ép tìm một chàng trai nghèo ngoại tỉnh đến ở rể nữa" - Cô vui vẻ chia sẻ.
Hình minh họa
Nếu có sắp xếp địa vị gia đình thì trong "hai bên cùng cưới" mọi thứ đều là ngang hàng nhau.
Mẹ chồng Đặng Lệ đem vàng đến tặng cô, cha mẹ đẻ cô cũng mua rất nhiều trang sức cao cấp tặng lại con rể. Khi Đặng Lệ cùng chồng không thống nhất được thời gian tổ chức tiệc cưới, họ bèn "mạnh ai người nấy làm", do đó tiệc cưới cũng được nhân lên 2 lần, dường như cặp đôi đang âm thầm phân cao thấp với nhau, "nhà tôi khẳng định không kém nhà anh" và ngược lại.
Giải phóng phụ nữ
Trung Quốc có truyền thống xây dựng gia đình với trung tâm là người đàn ông, do đó, "hai bên cùng cưới" nổi bật lên với đặc thù "địa vị ngang hàng" giữa vợ và chồng. Nhưng không phải cô gái nào cũng thích "hai bên cùng cưới".
Hình minh họa
Ví dụ như Lý Hồng, 24 tuổi, quê ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mấy năm trước chị của cô kết hôn qua hình thức "hai bên cùng cưới", sau đó càng ngày càng thiếu ngủ, không còn thời gian chăm sóc bản thân. Mắt thấy chị gái luôn phải "chạy" giữa 2 bên thân thích, mệt mỏi quá độ, vừa làm con dâu ở nhà chồng, vừa làm "con trai" ở nhà mình, Lý Hồng chưa kết hôn đã nảy sinh sự sợ hãi đối với "hai bên cùng cưới".
Là chị cả, chị của Lý Hồng bị cha mẹ giao cho trách nhiệm "kéo dài hương hỏa", bắt cô phải sinh 2 cậu con trai, kế thừa dòng họ cả 2 bên. Nhưng sinh con trai đầu xong, cô đã không muốn sinh thêm nữa, khiến cho cha mẹ cô nhiều lần quát mắng, cãi vã. Theo cô thì hiện nay chỉ nuôi 1 đứa trẻ đã chẳng phải chuyện dễ dàng gì.
Lý Hồng nói, vốn chị gái định thực hiện kết hôn truyền thống, nhưng người trong nhà đều không đồng ý. Biết được chị em Lý Hồng đều muốn "gả đi", bà nội lo lắng đến mất ngủ. Bà nói nếu không có đứa cháu nào mang họ Lý thì hương hỏa bị cắt đứt, lúc chết phải có cháu bên linh cữu khóc gọi ông bà nội thì mới nhắm mắt xuôi tay được.
Chính vì chuyện này mà chị Lý Hồng và bạn trai phải chia tay nhau, nhưng sau đó nhà trai đồng ý "hai bên cùng cưới", họ mới tái hợp và nên nghĩa vợ chồng.
Hình minh họa
Nhìn thấy chị gái như vậy, Lý Hồng cảm thấy "hai bên cùng cưới" đối với phụ nữ không hề có ý nghĩa giải phóng. Trên thực tế, người nhà ép buộc chị cả đến như vậy cũng bởi vì Lý Hồng là "một đứa con không nghe lời người lớn", Lý Hồng còn nói sinh con không phải là việc tất yếu phải làm. Mẹ Lý Hồng nghe xong, luôn nạt nộ: "Không sinh con thì không thể trở thành phụ nữ hoàn chỉnh."
Lý Hồng ương ngạnh, khiến người nhà không quản được, đành đem tất cả hy vọng đặt lên người chị của cô. Lý Hồng khao khát một gia đình được xây dựng trên tình yêu, sống độc lập tự chủ, cô cảm thấy chị gái mình đang bị vây hãm trong gông cùm, xiềng xích của gia đình và đạo đức lỗi thời.
Không ít người cho rằng, những gia đình "hai bên cùng cưới" khuyết thiếu tình yêu, kỳ thực đây chỉ là một kiểu giao dịch độc lập tài chính, mang theo toan tính ích kỷ của người lớn mà thôi. "Hai bên cùng cưới" là trào lưu kết hôn được chú ý nhất hiện nay tại Trung Quốc, cho thấy rõ những biến hóa của xã hội theo chính sách dân số ở đất nước này. Tương lai của hình thức kết hôn này vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.
Nguồn: QQ
Trí thức trẻ