Hai công ty Nhật tuyên bố ngừng cung cấp cho Huawei
ARM và Panasonic đồng loạt ngừng cung cấp con chip và linh kiện khác cho Huawei...
Hãng thiết kế con chip ARM thuộc sở hữu tập đoàn SoftBank và một công ty khác của Nhật Bản là Panasonic đồng loạt tuyên bố dừng cung cấp cho Huawei để tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, một số tài sản trí tuệ của ARM - chủ yếu là các thiết kế thiết bị bán dẫn sử dụng cho thiết bị di động, được tạo ra ở Mỹ - nên phải chịu các hạn chế về cung cấp cho Huawei mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt ra mới đây.
"ARM sẽ tuần thủ tất cả các luật và quy chế giám sát do Chính phủ Mỹ đặt ra", một phát ngôn viên của ARM - công ty được SoftBank mua với giá 32 tỷ USD vào năm 2006 - cho biết ngày 22/5.
Ngày 23/5, Panasonic cho biết đã ngừng cung cấp một số loại linh kiện cho Huawei. "Panasonic đã hướng dẫn nhân viên dừng giao dịch với Huawei và 68 công ty con thuộc phạm vi lệnh cấm của Mỹ", một tuyên bố của công ty Nhật Bản viết.
Panasonic không có cơ sở sản xuất linh kiện quy mô lớn tại Mỹ, nhưng nói rằng lệnh cấm của Washington áp dụng đối với hàng hóa có từ 25% trở lên công nghệ và vật liệu xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, Panasonic từ chối cung cấp thông tin cụ thể về việc những linh kiện mà hãng ngừng cung cấp cho Huawei bao gồm những gì.
Tuần trước, chính quyền ông Trump đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm khiến công ty này không thể mua công nghệ và linh kiện của Mỹ nếu không có sự cho phép của Washington.
Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ nới trừng phạt Huawei trong 3 tháng, theo đó cho phép Huawei được mua hàng hóa Mỹ để đảm bảo dịch vụ cho các mạng và thiết bị hiện tại, nhưng không được mua hàng hóa Mỹ để sản xuất sản phẩm mới.
Một số nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của châu Âu tuần này cho biết vẫn sẽ cung cấp cho Huawei, nhưng một loạt hãng chip Mỹ, gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều được cho là đã ngừng cung cấp cho Huawei.
Bloomberg dẫn một tuyên bố của Huawei nói rằng công ty này "nhận thức được sức ép" mà một số đối tác đang phải chịu từ phía Chính phủ Mỹ. "Chúng tôi tin tưởng rằng tình hình đáng tiếc hiện nay sẽ được giải quyết", tuyên bố nói.
VnEconomy