Hai cuộc chiến ở xóm chạy thận
Hơn trăm con người vật lộn với cái nắng hơn 40 độ để giành giật sự sống, xóm chạy thận có lẽ là nơi nóng nhất Hà Nội những ngày này.
- 10-04-2020Xóm chạy thận những ngày chạy dịch: Con Covid tới, nó chiếm "nhà" tụi tui, hai mẹ con dắt nhau đi bụi ngay trong viện!
- 28-01-2020Mùa xuân lặng lẽ của những mảnh đời hàng chục năm ăn Tết tha hương tại xóm chạy thận giữa lòng Thủ Đô
Những ngày Hà Nội nắng nóng như "chảo lửa", dãy nhà trọ lụp xụp nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không có điều hòa hay bất cứ thiết bị làm mát nào ngoại trừ những chiếc quạt điện vừa cũ vừa nhỏ, mỗi lần quay là kẽo cà kẽo kẹt. Trời oi bức đến kiệt sức cả những người khỏe, với các bệnh nhân nghèo nơi đây, cái nóng như nhân lên nhiều lần.
Bên cạnh cuộc chiến với cái nóng, ở đây còn có một cuộc chiến khác khốc liệt hơn.
CHUYỆN BÊN CÁNH CỬA SẮT
Trưa Hà Nội hơn 40 độ, bà Dương Thị Hoài (quê Nam Định) ngồi giữa cửa phe phẩy chiếc quạt giấy. Cái dáng gầy gò của cụ bà gần 70 tuổi khom khom giữa khe cửa sắt, như minh chứng chân thực nhất cho cái khắc nghiệt của thời tiết bây giờ. Bệnh đi kèm với khổ, ấy là tình cảnh chung của bà Hoài và 134 người khác trong cái xóm chạy thận này.
Những ngày Hà Nội nắng như "chảo lửa" cuộc sống của các bệnh nhân ở đây trở nên vất vả hơn gấp bội.
Thấm thoắt đã 11 năm bà Hoài "bám trụ" ở đất Thủ đô, cũng là 11 năm căn bệnh suy thận quái ác đeo bám bà. Bà Hoài ở viện nhiều hơn ở nhà. Xóm chạy thận xơ xác này như ngôi nhà thứ 2, gần gũi hơn của bà vậy. Nhất là từ khi, ông bỏ bà mà đi.
"Khi tôi phát hiện bị suy thận ông nhà tôi đưa tôi lên đây chăm sóc rồi ở cùng tôi được 8 năm thì ông ấy qua đời vì ung thư. Mấy năm nay tôi ở đây một mình, không ngờ ông ấy lên chăm tôi mà lại bỏ tôi đi trước", bà Hoài ngậm ngùi.
11 năm sống chung với bệnh, bà Dương Thị Hoài (66 tuổi, ở Nam Định) đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, trong đó có những ngày hè nóng không ngủ nổi.
Căn phòng trọ rộng chừng 8m2, bà Hoài thuê mỗi tháng hết 1 triệu 2. Bà Hoài bảo thế là đắt rồi. Thương mẹ, sợ mẹ vất vả, mấy đứa con bà Hoài gom góp mua cho mẹ chiếc điều hòa. Mát thật đấy, nhưng những lúc không có các con ở đây, chiếc điều hòa của bà Hoài có khi cả tuần không "ăn không ngồi rồi", nằm im như đồ trang trí.
"Mang tiếng có điều hoà nhưng tiền điện 5 nghìn/số tôi không dám dùng. Đêm tôi chỉ dám bật 1 tiếng cho phòng hơi mát rồi tắt đi chứ không dám bật lâu. Tivi cũng chả dám xem vì sợ tốn điện. Các con gom góp lo cho mình tiền nhà, tiền thuốc men hàng tháng đã vất vả lắm rồi.
Những ngày nắng nóng, bà Hoài cứ ngồi trong phòng được lúc lại ra ngoài rửa mặt mũi, chân tay cho mát.
Tôi còn đỡ chứ nhiều người trong dãy trọ không có điều hoà để dùng, cả đêm mọi người không ngủ nổi vì nóng. Khi phòng tôi chưa có điều hòa thì còn hai vợ chồng nên đỡ buồn, đến khi lắp được cái điều hòa thì hai vợ chồng dùng được một năm thì ông nhà tôi bỏ tôi đi mất, đến lúc đỡ khổ hơn 1 tý thì người lại không còn", bà Hoài chia sẻ.
Vợ chồng bà Hoài có với nhau 3 mặt con. Hai con trai giờ đang làm trong tít Gia Lai, con gái thì lấy chồng rồi sống cùng gia đình ở huyện Chương Mỹ. Không thường xuyên tới thăm mẹ được, nhưng không ngày nào chúng không gọi điện, hỏi thăm, động viên mẹ.
Ấy là nguồn sống của bà Hoài.
Bà Hoài tâm sự những ngày khổ cực, vất vả trên Hà Nội thì có chồng bên cạnh, nhưng tới khi con cái sắm được cho cái điều hòa thì chồng bà không còn để mà sử dụng.
"Các con quan tâm đến tôi lắm, nhiều lần chúng nó bảo mẹ vào ở với các con nhưng tôi bệnh tật thế này đi được đâu. Tôi cũng không muốn chúng nó thêm vất vả gánh nặng vì mình, rồi còn lo cho các cháu nữa. Tôi sống ở đây một mình, cũng không dám về quê vì mỗi lần về lại tốn kém, tiền xe cộ đó để lại cũng đủ cho tôi trang trải thêm 1 tuần ở Hà Nội này.
"Có sự sống thì khổ mấy cũng chịu được. Chồng tôi mất khi chưa đến tuổi được mừng thọ nên tôi chỉ ước mình sống được đến khi đó mà không biết có được không", bà Hoài tâm sự.
Hơn chục năm ở đây bao nhiêu ngày khổ tôi cũng đã trải qua hết nên cũng chẳng có gì để sợ. Có sự sống thì khổ mấy cũng chịu được. Chồng tôi mất khi chưa đến tuổi được mừng thọ nên tôi chỉ ước mình sống được đến khi đó mà không biết có được không", bà Hoài tâm sự.
NHỮNG ĐÊM HÈ KHÔNG NGỦ
Hàng xóm của bà Hoài, có bà Nguyễn Thị Sự năm nay 70 tuổi, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Như nhiều phụ nữ lớn tuổi trong xóm, "căn bệnh nhà giàu" khiến sức khỏe bà Sự suy yếu rất nhiều, chẳng đi đâu được. Trời nóng, người yếu càng thêm mệt mỏi, đau nhức. Không ít những đêm bà Sự như người mất hồn, trằn trọc, loay hoay tới 1-2h sáng.
Tay bà Sự chằng chịt những cục hạch lớn, nhỏ. Những dấu vết đầy đau đớn mà chứng suy thận để lại cho bà.
Bà Nguyễn Thi Sự (70 tuổi, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) giữa trưa nắng nóng thay vì ở trong nhà, bà Sự lựa chọn ngồi ra ngoài cho dễ thở vì trong phòng ngột ngạt.
Bà Sự cho biết, hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, sức khỏe suy kiệt phải lọc máu 3 ngày một lần, liên tục hàng mấy chục năm để kéo dài sự sống. Ở trong phòng nóng bức, bà Sự hết ngồi rồi lại ra ngoài vỉa hè, khi lại chạy sang nhà hàng xóm bắt chuyện để quên đi cái nóng.
"Thời tiết thế này mệt mỏi lắm, mấy hôm nay cứ khoảng 8-9h tối ở xóm chạy thận này không ai bảo ai đều đổ hết ra ngoài đường ngồi. Ở trong phòng trọ ngột ngạt nên chẳng ai chịu đựng nổi. Đến nửa đêm thì chúng tôi ai về nhà nấy nhưng trằn trọc cả đêm.
Khi Hà Nội vào mùa nắng nóng, những người ở xóm chạy thận thích ở ngoài hơn vào trong phòng.
Nhiều người cũng chung cảnh ngộ như chúng tôi, có người ngồi ngoài lâu mỏi lưng thì họ lại về nhà trọ nằm. Thế nhưng nằm trong nhà được nửa tiếng nóng quá lại đi ra, nửa đêm có người nóng quá không chịu được nên đi bộ ra đường cho thoáng", bà Sự chia sẻ.
Theo lời bà Sự, mấy hôm trời nóng cứ khoảng 8-9h tối ở xóm chạy thận này không ai bảo ai đều đổ hết ra ngoài đường ngồi.
Theo lời bà Sự, ai ở cái xóm chạy thận này đều biết điều kiện sống như vậy là không đảm bảo, đặc biệt là với người bệnh, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi có muốn thì họ cũng không thể có tiền để đi thuê chỗ khác tốt hơn. Đã nghèo còn mang trọng bệnh, đâu có nhiều lựa chọn cho những người như bà.
"Những ngày nắng nóng cực điểm, xóm chúng tôi đã vắng lại càng vắng, nhiều người nóng quá nên chọn cách nán lại bệnh viện để tránh nóng. Nhưng đợt này dịch bệnh trở lại nên điều trị xong lại về cái xóm này.
Những người ở xóm chạy thận hơn ai hết họ đều rất nhẫn nại, cố gắng mà đấu tranh với bệnh tật.
Nhiều năm ở đây rồi nên dù oi bức mấy thì những người như chúng tôi phải nhẫn nại, cố gắng mà đấu tranh với bệnh tật và cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt. Ở quê mùa này cũng nắng nhưng nhà rộng có vườn, có cây cối tỏa bóng mát nên dễ chịu hơn nhiều, chứ trong căn phòng trọ chật hẹp này, mấy hôm nay nóng quá tôi phải dùng khăn ướt phủ lên đầu, đặt chậu nước trước quạt cho mát rồi tranh thủ chợp mắt cho quên đi cái nóng", bà Sự chia sẻ.
Trời vẫn nắng chói chang, không khí oi bức vẫn hầm hập ở xóm chạy thận. Thêm một mùa khắc nghiệt nữa với những người phụ nữ ngoại tỉnh nơi đây. Dưới mái hiên lụp xụp, họ chia sẻ, an ủi nhau bằng những câu chuyện của riêng mình. Không ai giống ai cả, mỗi người mỗi cảnh. Nhưng chưa bao giờ họ chùn bước trong cuộc chiến giành giật sự sống, suốt nhiều năm nay vẫn vậy.
Nhịp sống Việt