Hai deal thất bại ở Shark Tank: Founder ở tuổi trung niên kêu gọi triệu USD, Shark Bình khuyên "sức mình có hạn mà mơ to quá thì là ác mộng"
Hai thương vụ gọi vốn phải ra về tay trắng ở Shark Tank mùa 4 có một điểm chung: Các founder đều đã ở tuổi trung niên, kêu gọi số vốn lớn (trên 1 triệu USD). các công ty do họ thành lập đã tồn tại từ lâu nhưng không có sức bật.
Startup vải thuỷ tinh kêu gọi 1 triệu USD cho 15% cổ phần
Chị Huỳnh Nguyệt Mai – TGĐ Công ty TNHH Việt Long là startup cuối cùng xuất hiện trong tập 3. Nguyệt Mai đến Shark Tank giới thiệu vải dán tường làm từ sợi thủy tinh cấp E có thương hiệu MV, có nghĩa là Made in Việt Nam. Sản phẩm vừa mang lại tính thẩm mỹ cho căn nhà, vừa có thể kháng cháy, kháng khuẩn và cách điện này có giá 1.150.000Đ/cuộn 5m. Với sứ mệnh xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm quốc gia, chị Nguyệt Mai kêu gọi các Shark đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần.
Chia sẻ thêm về lộ trình phát triển, Nguyệt Mai cho biết, cuối năm 2019, sản phẩm đã được cấp bằng giải pháp hữu ích. Chị cho biết, đã đầu tư 2 dàn máy để sản xuất khổ 1,06m, công suất nhà máy hiện đạt được 15 triệu m2 mỗi năm. Kế hoạch từ năm 2021 – 2024 đạt doanh số đến 900 tỷ/năm, đồng thời xây dựng lộ trình IPO vào năm 2025.
Khi được hỏi sâu hơn về tình hình tài chính công ty, Nguyệt Mai cho biết bức tranh tài chính gần như là con số 0 bởi chị đã trải qua thời gian gần như phá sản, làm hoàn toàn lại từ đầu. Doanh nghiệp của chị đã tồn tại 27 năm, vải dán tường sợi thủy tinh ra đời 4 năm trước. Cuối năm 2019, Nguyệt Mai chọn mô hình kinh doanh là các nhà đại lý để họ phân phối khắp 63 tỉnh thành. Vì dịch Covid-19, chị mua máy móc nhưng không lắp đặt được và phải mất 6 tháng xin giấy phép cho các kỹ sư vào lắp máy. Lắp máy xong chị lại không mua được nguyên vật liệu. Đánh giá năm 2020 là một năm đầy thử thách nhưng công ty của Nguyệt Mai đã đạt doanh số 11,3 tỷ.
Nguyệt Mai chia sẻ thêm rằng công ty đã được đầu tư FDI 2,6 triệu USD từ 2 cổ đông là chồng của chị và một công ty khác của Đài Loan. Hiện công ty đã có nhà máy sản xuất riêng tại Khu chế xuất Tân Thuận. Nguyệt Mai cho biết chị đến gọi vốn vì nóng lòng muốn tổ chức marketing (tiếp thị), đội ngũ bán hàng hùng hậu và giải quyết vấn đề nguyên vật liệu.
Shark Liên nhận xét khát vọng của startup rất mạnh nhưng doanh nghiệp được thành lập từ năm 1994 thì phát triển quá chậm, gọi vốn quá cao, tính cạnh tranh của sản phẩm không có.
Shark Hưng gợi ý nếu Nguyệt Mai đã xây dựng xong hệ thống phân phối thì có thể chia sẻ cho đại lý quyền lợi để họ tạm ứng vốn cho doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu. Đây là một cách làm chắc chắn được đầu ra. Khi đã có hợp đồng đầu ra, các ngân hàng, các định chế tài chính sẵn sàng tài trợ vốn để nhập nguyên vật liệu. Shark Hưng khuyên startup đừng tham rẻ, hãy để khách đặt hàng sau đó mới nhập nguyên vật liệu để sản xuất. Nếu làm được như vậy thì startup không cần phải gọi vốn. Vì thế, Shark Hưng từ chối đầu tư cho startup.
Shark Liên, Shark Bình, Shark Phú cũng từ chối đầu tư vì không cùng lĩnh vực, chuyên môn. Shark Phú khuyên Nguyệt Mai nên tìm kiếm đối tác trong ngành bởi họ thực sự hiểu ngành hoặc cổ đông với những khách hàng chính hơn là gọi vốn trên Shark Tank vì các Shark không hiểu về nghề này.
Được Shark Việt hỏi về kinh nghiệm kinh doanh, Nguyệt Mai cho biết chị đã có những trải nghiệm vô cùng khó khăn thời thơ ấu. Nguyệt Mai trưởng thành từ thời chiến tranh, có nhiều gian khó nhưng chị cảm thấy rất biết ơn bởi những trải nghiệm đó giúp chị không chùn bước khi gặp khó khăn.
"Công việc có sai thì mình nhận lấy, học và tiếp tục tiến tới. Không có gì là khó cả" – Nguyệt Mai chia sẻ. Chị cho rằng mình rất may mắn khi một mình điều hành nhà máy nhưng có một đội ngũ rất nhiệt huyết, thậm chí khi công ty không có tiền trả lương họ vẫn làm việc.
Shark Liên cho rằng Nguyệt Mai rất quyết liệt, đam mê. Bà đồng cảm với việc chị em phụ nữ làm kinh doanh phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đàn ông kinh doanh khác phụ nữ ở bản lĩnh, sự đối đầu trong khi phụ nữ còn gia đình và nhiều mối quan hệ. Vì thế khi ra ngoài kinh doanh "chiến đấu" với đàn ông thì phụ nữ khó khăn hơn đàn ông rất nhiều.
Shark Việt từ chối đầu tư và dành cho startup lời khuyên chân thành: "Trái đất này rất đáng yêu, xã hội rất tươi đẹp nhưng đến một lúc nào đấy mình sẽ phải ra đi. Khi ra đi phải biết buông bỏ. Buông bỏ không phải là từ bỏ mà là gửi gắm cho người nào đó có năng lực hơn mình để đầu tư".
Shark Việt nhắn nhủ: "Phải biết dừng lại đúng lúc. Nếu đắm đuối vào cái này, em sẽ hy sinh đấy" và giải thích thêm: "Cuộc đời vô thường, tuổi thọ có giới hạn, mình phải biết dừng lại. Giao cho người có kỹ năng hơn mình và trở về chăm sóc ông bên kia. Quan trọng nhất làm phải biết dừng lại". Shark Việt cho rằng đây chính là sự đầu tư của Shark cho doanh nghiệp Việt Long.
Startup mang giấc mộng lớn với hạt cà phê gọi vốn 1,2 triệu USD cho 30% cổ phần
Vũ Quốc Việt – Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu cà phê Đất Sài là startup cuối cùng xuất hiện trong tập 2. Đất Sài là một doanh nghiệp cung cấp cà phê rang xay, song song đó là triển khai tư vấn, thiết kế, thi công chuỗi cà phê nhượng quyền. Với kinh nghiệm cá nhân gần 20 năm trong ngành với 13 năm khởi nghiệp, anh Vũ Quốc Việt mang đến Shark Tank một giấc mơ lớn, mong muốn thực hiện được "Khát vọng Việt - Khắp năm châu". "Hôm nay, tôi mời các Shark xuống vốn 1,2 triệu USD, giải ngân trong 2 năm cho 30% cổ phần" – anh Vũ Quốc Việt đề nghị.
Để lý giải con số mình đưa ra, nhà sáng lập Vũ Quốc Việt cho biết, anh dự kiến doanh thu năm 2030 của Đất Sài sẽ đạt 500 triệu USD. "Cần quy tụ 20.000 thương hiệu cà phê Việt Nam với hơn 1.000 nhà máy nhỏ lẻ, gom lại thành 5 đại công xưởng để sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu, đưa Việt Nam thành đất nước công nghiệp F&B" – anh Việt tiếp lời, giải thích cho khát vọng của mình.
Lúc này, Shark Phú ngắt lời startup, nhắc nhà sáng lập nên tập trung vào doanh nghiệp của mình, trình bày các con số về doanh thu, lợi nhuận, chỉ số tài chính,… cũng như tự đánh giá vì sao 13 năm qua startup vẫn chưa thành công. Trả lời Shark Phú, anh Vũ Quốc Việt cho biết, Đất Sài đã thành lập từ năm 2007, hiện đang cung cấp cà phê rang xay cho các quán cà phê trên 3 miền với con số ước chừng 120 quán và xuất khẩu sang Campuchia, Nga. Năm 2020 do gặp đại dịch nên doanh số giảm, hiện đạt khoảng 400 – 500 triệu/tháng.
Shark Phú đánh giá công ty đã thành lập 13 năm nhưng doanh số này quá nhỏ trong ngành ẩm thực. Tuy thế, startup lại đặt kỳ vọng cao, ước mơ quá lớn và mục tiêu xa vời nên Shark đã rút khỏi deal này.
Startup tiếp tục chia sẻ hành trình cố gắng của bản thân, học hỏi câu chuyện thành công của các thương hiệu lớn, cũng như nỗi trăn trở của mình về việc tạo ra một thương hiệu Việt Nam mang tầm vóc quốc tế, mang ly cà phê sữa đá "xuất khẩu" sang các nước.
Shark Hưng nhận xét câu chuyện của startup chia sẻ rất hay, vĩ đại nhưng quá bao la nên khả năng hiện thực hóa gần như không thể. Startup cũng chưa định vị mình là người rang xay cà phê giỏi nhất hay là người làm thương hiệu chuỗi cà phê giỏi nhất. "Nếu anh là nhà rang xay cà phê với doanh thu lớn nhất là 10 tỷ một năm thì không bằng một quán cà phê loại tầm thường. Nếu các Shark đầu tư cho anh 1,2 triệu USD thì anh cũng chỉ "đốt" trong vài tháng" – Shark Hưng nhận định. Vì vậy, Shark Hưng cũng đã rút khỏi deal này.
Shark Liên cũng gửi khuyên đến startup “Không mơ thì thôi nhưng đã mơ thì mơ cho tới…Nhưng trong kinh doanh, mơ phải có cơ sở”. Shark Liên chia sẻ thêm, startup có khát vọng Việt khắp năm châu nhưng trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn chưa thành công. Bên cạnh đó, mọi sản phẩm đều công khai thành phần nhưng cà phê Đất Sài lại không có. "Anh nói mục đích của anh quá lớn, vì cộng đồng nhưng thực tế tôi không nhìn thấy điều đó. Vì vậy tôi không đầu tư" – Shark Liên kết luận.
Shark Việt cho rằng với quy mô và sự phát triển của cà phê Đất Sài trong những năm qua, không có gì khẳng định là đầu tư thêm tiền, startup sẽ phát triển hơn nữa. Vì vậy, Shark Việt cũng quyết định không đầu tư.
Shark Bình gửi lời khuyên đến nhà sáng lập Đất Sài, cũng như các startup khác: "Khi đến với Shark Tank, các startup đừng bán ước mơ. Vì các Shark chỉ mua business plan (kế hoạch kinh doanh) và năng lực thực thi của startup". Riêng với Đất Sài, Shark Bình cũng không đầu tư và khuyên startup nên "mơ lớn nhưng mà thực hiện nhỏ thôi, tự lượng sức mình, sức mình có hạn mà mơ to quá thì là ác mộng".