Hai điểm đặc biệt của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ ba năm 2020 (VRDF 2020): Việt Nam cần có 'tư duy vượt lên trước' chứ không thể 'đi theo, đi sau'.
- 28-09-2020Nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn điện Việt Nam có thể lên đến 13 tỷ USD mỗi năm
- 28-09-2020Tạo điều kiện để lao động di cư được đảm bảo quyền lợi
- 28-09-2020Từ ngày 15/11, xúi giục, ép người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng
- 28-09-2020Cảnh báo hàng dệt may vào Liên minh Kinh tế Á Âu sắp vượt ngưỡng ưu đãi
Sáng ngày 29/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 (VRDF 2020) với chủ đề "Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Kỷ nguyên Covid-19".
Bối cảnh đặc biệt của diễn đàn VRDF 2020
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng chỉ ra hai lý do chính khiến diễn đàn VRDF 2020 là một diễn đàn "hết sức đặc biệt".
Thứ nhất, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
"Đây cũng sẽ là kim chỉ nam cho thời kỳ phát triển mới hết sức quan trọng của đất nước trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới", Bộ trưởng nhận định.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức hết sức to lớn, đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.
Bộ trưởng cũng chỉ ra một số thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt để trở thành một nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2010.
Quy mô nền kinh tế hiện nay tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Thách thức từ Covid-19 với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam
"Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú...
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu, cùng với việc chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài.
"Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phải có 'tư duy vượt lên trước'
Để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có.
Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, đối với nền kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo ra các bước phát triển nhanh, các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ.
Cuối cùng, đại diện Bộ KHĐT kết luận, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được "tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm"; phải có "tư duy vượt lên trước" chứ nhất quyết không chịu "đi theo, đi sau".