Hải Dương cơ bản đạt mục tiêu thu hút vốn FDI
Nhờ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, sau 9 tháng, tỉnh Hải Dương cơ bản đạt mục tiêu thu hút vốn FDI cả năm 2023, với 59 dự án cấp mới.
- 07-10-2023Bình Dương: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
- 07-10-2023Kỳ vọng mùa cao điểm đón khách quốc tế
- 07-10-2023Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh thu hút 392,5 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 96% kế hoạch năm.
Tỉnh cấp giấy phép đầu tư cho 59 dự án mới với số vốn đăng ký 275 triệu USD, gồm 20 dự án ngoài khu công nghiệp, 39 dự án trong khu công nghiệp. Thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 26 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 116,5 triệu USD, còn lại là 9 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu hút FDI đạt 410 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 750 triệu USD trở lên. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 400 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, giải quyết kịp thời các thủ tục về quy hoạch và xây dựng. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đối với các thủ tục hành chính trong xử lý công việc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng quy định.
Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hành chính công để niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ, chính xác 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đúng thời hạn và trước thời hạn theo quy định của pháp luật và đăng tải đầy đủ lên Cổng thông tin dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh và trên website của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Thường xuyên giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vận hành ổn định hệ thống công trình bảo vệ môi trường và thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định. Phối hợp, tham gia hội đồng họp cấp giấy phép môi trường cho 34 dự án; thẩm định, tham gia ý kiến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 5 dự án đầu tư trong khu công nghiệp; giám sát đấu nối thoát nước của 109 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo theo phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư với tinh thần lấy doanh nghiệp là trung tâm, thực sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh. Tích cực xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ưu tiên các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp.
Tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm 21 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng với tổng diện tích khoảng 4.508 ha. Hiện nay, Hải Dương đã có 17 khu công nghiệp được thành lập; trong đó có 12 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.650 ha.
Tính đến thời điểm này, tỉnh có 11/12 khu công nghiệp đang hoạt động đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 1/12 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đã thành lập khoảng 48,7%./.
Báo kiểm toán