Hải Dương phát huy hiệu quả thu hút FDI
(BKTO) - Trong nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp.
- 14-09-2023Loạt doanh nghiệp Bỉ tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh
- 14-09-2023Thủ tướng chủ trì hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc
- 14-09-2023Ông Phạm Quang Vinh: Nâng cấp quan hệ để cùng nhau thúc đẩy hợp tác
KCN
Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, 5 KCN đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng với diện tích 938,35ha. Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649ha. Tỉnh đã bàn giao đất cho 3 KCN mới gồm: Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 để xây dựng kết cấu hạ tầng. Dự kiến trong quý III và quý IV năm nay, các KCN này sẽ hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, thu hút các dự án đầu tư.
Đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư
KCN kiểu mẫu Cẩm Điền-Lương Điền (Cẩm Giàng) có tổng diện tích 149,23ha, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, mật độ cây xanh lớn. Nhờ công tác xúc tiến đầu tư bài bản, đa dạng hình thức, KCN này đã thu hút nhiều dự án chất lượng cao. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã thu hút 18 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 41 triệu USD, chiếm 66,6% tổng số dự án và 25% tổng vốn đầu tư FDI vào các KCN của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy của KCN này đã đạt gần 100%. Nhiều năm gần đây, KCN Cẩm Điền-Lương Điền tích cực kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài qua các diễn đàn xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của KCN đến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Thực hiện định hướng xây dựng điểm sáng về thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện, điện tử của Hải Dương, KCN Cộng Hoà (Chí Linh) đã chủ động tìm kiếm, gặp gỡ các nhà đầu tư. Thông qua các đoàn đi xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, KCN Cộng Hoà đã dành được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp FDI lớn. Việc thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư; chủ động xây dựng các clip, tài liệu dịch ra nhiều thứ tiếng để quảng bá, giới thiệu về cơ sở hạ tầng, các ưu đãi về cơ chế chính sách đã tạo niềm tin cho nhiều nhà đầu tư đồng ý ký biên bản giữ đất và lập dự án đầu tư tại KCN. Dự kiến trong năm 2023, tỷ lệ lấp đầy của KCN Cộng Hoà đạt 100%.
Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư đã giúp nguồn vốn FDI đổ vào các KCN trong tỉnh tăng cao. 6 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút trên 200 triệu USD vốn FDI, vượt 1% kế hoạch năm, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2022. Hải Dương đã cấp mới cho 25 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 146 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 15 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 56 triệu USD.
Đơn giản thủ tục đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường đầu tư tại Hải Dương khá thuận lợi và thông thoáng. Trong quá trình triển khai các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như chủ đầu tư hạ tầng hỗ trợ tích cực, giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, từ đầu năm đến nay, 100% số thủ tục hành chính của đơn vị được giải quyết đúng thời hạn. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được đơn vị rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định. Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao.
Đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, định hướng cho các KCN phát triển trong tương lai, tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động và đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN.
Tích cực đẩy mạnh cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN. Ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN để hình thành nên các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong những năm tới./.
Báo kiểm toán