Hãi hùng cảnh san hô, hải sâm chết xếp lớp dưới đáy biển Quảng Bình
Sau khi ngâm mình dưới đáy biển, các thợ lặn hết sức hãi hùng khi chứng kiến những rạn san hô quý hiếm và hải sâm, vẹm, sò, hàu,.. chết thối rữa xếp lớp dưới đáy biển và đang trong quá trình phân hủy.
- 03-05-2016Cấm sử dụng hải sản trong vùng 20 hải lý gần bờ 4 tỉnh miền Trung
- 03-05-2016100% mẫu hải sản đánh bắt gần bờ phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày
- 02-05-2016Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân miền Trung
Sáng 7-5, một đoàn công tác của Trung tâm điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang đã phối hợp với Sở TN - MT Quảng Bình có chuyến khảo sát, tìm kiếm ở khu vực cá chết xếp tầng ở vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ ( TP Đồng Hới ) khoảng 3 hải lý, mà ngư dân phản ánh.
Đoàn công tác đang xuống thuyền để ra khơi
Theo ghi nhận của PV Người Lao Động , tờ mờ sáng, đoàn công tác đã chuẩn bị nhiều thiết bị, dụng cụ cần thiết cho cuộc khảo sát dưới đáy biển để làm rõ thông tin “xác cá chết xếp lớp dưới đáy biển”. Tuy nhiên, đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, thuyền của đoàn mới chính thức thả neo và bắt đầu hành trình xuống biển.
Tất cả phóng viên báo chí đều không được tham gia cùng đoàn khảo sát mà phải ở lại trên bờ. Dù vậy, các phóng viên may mắn đi theo một con thuyền cùng 2 thợ lặn thâm niên khác của người dân địa phương muốn “ mục sở thị vùng “biển chết”, cách cửa sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới) khoảng 3 hải lý và thật hãi hùng khi chứng kiến từng rạn san hô đổi màu, hải sản chết la liệt.
Và một trong số họ đã mang chiến lợi phẩm từ đáy biển trở về
Trên chiếc tàu cá cá 33CV của ngư dân Đặng Thế Dĩ (48 tuổi, ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới), phóng viên cùng 2 thợ lặn có tiếng ở đất Quảng Bình là “kình ngư” Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) thả neo xuôi dòng Nhật Lệ và thẳng tiến ra biển.
Những rặng san hô, hàng chục loại hải sản quý hiếm như hải sâm, vẹm, sò, hàu chết dưới đáy biển được vớt lên
Khi chiếc tàu cá xuôi dòng khoảng chừng 1 giờ đồng hồ thì chủ tàu Dĩ cho tàu dừng lại rồi thông báo thả neo, bởi theo ngư dân này khu vực biển này nhiều loại cá và hải sản chết rất nhiều.
Sau khi trang bị dụng cụ và các vật dụng cần thiết , hai “kình ngư” Lê Xuân Hòa, Phạm Văn Trị xuống biển để bắt đầu cuộc tìm kiếm cá, hải sản chết nằm dưới đáy biển và đoàn chúng tôi bắt đầu hồi hộp ngóng tin.
Khoảng 30 phút ngâm mình dưới đáy biển, “chiến lợi phẩm” mà hai “kình ngư” Hòa và Trị vớt lên được là những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
Thật hãi hùng khi những rặng san hô, hàng chục loại hải sản quý hiếm như hải sâm, vẹm, sò, hàu chết dưới đáy biển được vớt lên
Vừa lên khỏi mặt nước, hai “kình ngư” này đã vội vàng vào khoang thuyền tắm nước ngọt và thay quần áo vì sợ nguồn nước biển độc hại ngấm vào người.
Theo lời kể của 2 kình ngư này, phía dưới đáy chỉ còn thấy xác chết của hải sản, các rạn san hô nằm lăn lóc và đang chuyển từ màu hồng sang trắng, còn xác tôm cá không còn nhìn thấy. Nước ở dưới tầng đáy cũng đen ngùm và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Trước đó, như Báo Người Lao Động phản ánh về việc nhiều ngư dân ven biển Quảng Bình khi lặn xuống biển cách bờ 2-3 hải lý đã phát hiện cá chết nằm xếp lớp. Theo họ, nước dưới đáy biển màu vàng đục, khác với màu nước trong xanh bên trên. Các rạn san hô có một lớp cặn màu trắng đục dày gần 0,5 m, mùi hăng hắc như các chất tẩy rửa .
Ngoài ra, nhiều ngư dân ở xã này còn cho biết trước đây khi bủa lưới, kéo lên lưới bị bám đầy rong rêu, bùn đất đen. Từ ngày xuất hiện tình trạng cá chết, khi bủa lưới xuống biển thì lưới trắng tinh như mới vừa giặt.
Người lao động