MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai kịch bản cân nhắc giải ngân

Hai kịch bản cân nhắc giải ngân

Theo chuyên gia, nhà đầu tư hiện nay không nên mua mới cổ phiếu, nên cân nhắc giải ngân khi thị trường vượt được 1.285 hoặc điều chỉnh giảm sâu thêm…

Quan điểm vừa được ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam chia sẻ với chúng tôi về thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

VN-Index chốt phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ mất mốc 1.280 với thanh khoản vẫn chưa được cải thiện. Ông có nhận định gì về xu hướng thị trường sau kỳ nghỉ lễ dài?

VN-Index trong những phiên vừa qua chưa vượt được 1.260 - 1.285 điểm là vùng cản trong ngắn hạn. Trước mắt thanh khoản hiện nay ở mức suy yếu dần. Hai là bắt đầu có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi đã qua mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.

Thêm nữa, các doanh nghiệp có báo cáo kiểm toán giữa năm. Sau khi kiểm toán là soát xét, có những doanh nghiệp đang lãi thành lỗ. Có thể thấy những nhóm ngành trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là bất động sản, là nhóm chịu ảnh hưởng nặng trong 6 tháng đầu năm khi thanh khoản thị trường bất động sản yếu đi. Nhìn chung, điều này khiến nhà đầu tư thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư chứ không hào hứng như trước.

Thứ hai, diễn biến TTCK Mỹ chưa chững lại đà giảm. Cuối tháng 9 Fed có cuộc họp để quyết định việc tăng lãi suất, nhiều khả năng là kịch bản tăng lãi suất mạnh của Fed để kiềm chế lạm phát. Như vậy chu kỳ tăng lãi suất của Fed chưa dừng lại cho đến khi lạm phát dưới 2%.

Về cơ bản tâm lý nhà đầu tư dồn nén, thận trọng. Rủi ro thời gian gần đây có chiều hướng tăng lên khi độ rộng thị trường thu hẹp. Tôi cho rằng trong ngắn hạn VN-Index chưa thể vượt qua được 1.285 điểm. Sau lễ thị trường sẽ theo hướng tiêu cực nhiều hơn. Nếu chỉ số giữ được 1.260 điểm, vùng hỗ trợ gần nhất, xu hướng tăng còn tiếp diễn. Nhưng nếu chỉ số xuyên thủng 1.260 điểm thì chỉ số sẽ theo hướng xấu hơn trong ngắn hạn.

Tôi cho rằng thị trường đang giống như 2018-2019, thời điểm Fed tiến hành tăng lãi suất. Trong các lần tăng lãi suất thì gần như tác động mạnh ở giai đoạn đầu tăng lãi suất, những lần tăng lãi suất kế tiếp chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, sau một số phiên giảm thị trường hồi phục trở lại.

Đà tăng trung hạn còn đang duy trì, nhịp điều chỉnh thời gian qua tác động trong ngắn hạn. Do đó những nhịp giảm sau lễ sẽ có sự phân hóa. Những cổ phiếu trong nhóm ngành dẫn đầu có thể vẫn duy trì đà tăng, hút dòng tiền mạnh bất kể thị trường có áp lực điều chỉnh mạnh đến đâu gồm khí đốt, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm…

Ngoài ra, thị trường có thể nhận được được bệ đỡ từ nhóm ngân hàng, khi khả năng cao NHNN sẽ ra quyết định mở thêm room tín dụng còn lại ở các NHTM.

Với góc nhìn ở trên, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư hiện nay?

Về chiến lược đầu tư, tôi cho rằng hiện tại tạm thời nhà đầu tư không nên mua mới, rủi ro tương đối cao. Thứ hai, nhà đầu tư nên cơ cấu đưa tỷ trọng về cân bằng hơn, đặc biệt nắm giữ cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt trong quý 2, gồm một số cổ phiếu ở các nhóm ngành kể trên.

Nhà đầu tư có thể đợi đến khi có 2 kịch bản cân nhắc giải ngân trở lại. Một, có thể đợi khả năng chỉ số vượt 1.285 điểm, rủi ro khi đó giảm đi. Hai là đợi nhịp điều chỉnh sâu thêm của thị trường. Hiện vùng mua khá rủi ro 50/50, nhà đầu tư tốt nhất nên đứng ngoài và quan sát, ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu về vùng cân bằng, ai dùng margin nên đưa về mức thấp.

Có khoảng thời gian xuất hiện làn sóng nhà đầu tư F0 hay tình trạng đầu tư fomo theo đội nhóm… Nhiều người đã thua lỗ khi thị trường sập thời gian qua. Tuy nhiên dường như điều này vẫn tồn tại trên thị trường, ông có bình luận gì?

Bản chất thị trường chứng khoán luôn có những thời điểm xuất hiện đầu cơ theo tin đồn đoán. Chúng ta từng chứng kiến cổ phiếu bất động sản tăng ảo cuối 2021, tạo cú sập thị trường mạnh thời gian qua.

Nhà đầu tư phải xác định cho mình phương pháp đầu tư phù hợp trong ngắn và trung hạn, nên chọn cổ phiếu có nền tảng tăng trưởng cao vượt trội so với thị trường chung. Đây là cách phòng tránh thời điểm thị trường áp lực điều chỉnh, an toàn hơn so với cổ phiếu lên rất mạnh và lúc giảm thì cắm đầu sâu, hay những cổ phiếu rủi ro hủy niêm yết…

Trong tương lai khi hoạt động giám sát trên thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính, UBCK làm chặt chẽ hơn, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng cảnh báo.

Bản chất thị trường luôn có hiện tượng đầu cơ, nhà đầu tư phải tự bảo vệ mình, biết tiết chế lòng tham, mua cổ phiếu nên kèm theo yếu tố cơ bản của doanh nghiệp giúp rủi ro khoản đầu tư giảm đi.

Về cơ bản không phải ai cũng có khẩu vị rủi ro giống nhau, tuy nhiên để tồn tại trên thị trường này lâu dài thì nên lựa chọn cổ phiếu có thể thanh khoản cao, biến động cổ phiếu lớn, nhưng cộng thêm yếu tố cơ bản thì rủi ro mất trắng tài sản khó đi. Chứ nếu không có thể gặp thêm ROS nếu cứ theo phong cách đầu tư fomo như cũ.

Cảm ơn ông!

Theo Huyền Châm

Nhịp sống kinh doanh

Trở lên trên