MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai kịch bản đổ bộ của Siêu bão Mangkhut

14-09-2018 - 21:47 PM | Xã hội

Theo Tổng cục KTTV Quốc gia, việc dự báo đường đi của bão Mangkhut đã tương đối chính xác nhưng cường độ của bão vẫn chưa thể nhận định chính xác. Hiện dự báo hai khả năng xảy ra: Bão đi về phía bắc vịnh Bắc Bộ hoặc đi vào giữa vịnh Bắc Bộ.

Trao đổi với báo chí về diễn biến của bão Mangkhut, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Quốc gia Lê Thanh Hải nhận định, bão Mangkhut có quỹ đạo giống với siêu bão Haiyan (năm 2013). Lúc này, bão đang ở giai đoạn mạnh nhất, cấp 16-17. Các mô hình dự báo cho thấy cơn bão này hướng về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Khoảng sáng sớm 15/9, bão Mangkhut sẽ vượt qua kinh tuyến 120, đi vào Biển Đông.

Tiến sâu vào khu vực bắc Biển Đông, bão Mangkhut mạnh cấp 14-16, gió giật cấp 16-17. Càng gần bán đảo Lôi Châu, cơn bão khả năng giảm thêm 1-2 cấp. Tuy nhiên, bão Mangkhut có đặc điểm phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Do vậy, cơn bão mạnh cấp 11-12 và vùng gió cấp 10 bao kín vịnh Bắc Bộ.

Ông Lê Thanh Hải cho rằng, khả năng cao các địa phương ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Từ sáng sớm 16-17/9, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh, sóng lớn. Khi vào Biển Đông, bão di chuyển tương đối nhanh 25 km/h, do vậy chúng ta càng có ít thời gian chuẩn bị ứng phó.

Đến trưa chiều 17/9, bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào đất liền các khu vực nói trên, rìa nam của cơn bão có thể ảnh hưởng tới cả Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Có 2 kịch bản đổ bộ của bão Mangkhut được dự báo: Khả năng cao khoảng 60% bão Mangkhut di chuyển về phía bắc vịnh Bắc Bộ. Song, không loại trừ khả năng cơn bão này di chuyển lệch xuống thấp hơn, vào giữa vịnh Bắc Bộ. Bão Mangkhut có thể giảm cấp khi tương tác với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và vùng ven bờ.

Thời điểm bão đổ bộ buổi trưa 17/9 là lúc thuỷ triều dâng ở mức cao nhất, nước dâng do bão kết hợp với thuỷ triều gây sóng cao 4-6 m. Cần theo dõi chặt chẽ tình hình đê biển từ Móng Cái đến Nghệ An. Ở các đảo ở vùng đông bắc Quảng Ninh, Hải Phòng, khách du lịch và người dân cần được cảnh báo sớm để lên các phương án phòng chống, di dời càng sớm càng tốt.

Từ chiều 17/9, Bắc Bộ sẽ bắt đầu có mưa lớn, lượng mưa cả đợt khoảng 300 - 400 mm. Trong khi đó, tất cả hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An ở mức rất cao. Nếu thêm đợt mưa lớn thì việc điều hành, điều tiết hồ chứa đóng vai trò quan trọng.

Thời gian mưa dồn dập trong khoảng ngày 17-18/9. Vùng trọng tâm mưa sẽ dịch chuyển. Từ ngày 17/9, khi cơn bão ảnh hưởng, mưa tập trung ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa. Ngày 18/9, mưa lan rộng theo sự dịch chuyển của cơn bão sang phía Tây Bắc Bộ, Bắc Tây Bắc và Thượng Lào. Đến ngày 19/9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa do ảnh hưởng của gió đông sau bão.

 Hai kịch bản đổ bộ của Siêu bão Mangkhut - Ảnh 1.

Hình ảnh đường đi của bão Mangkhut
Ngoài ra, Tây Nguyên, Nam Bộ sẽ có mưa tương đối lớn trong những ngày tới, bởi gió Tây Nam hoạt động mạnh.

Thủ đô Hà Nội sẽ là khu vực bão đi ngang qua, có gió mạnh cấp 8. Tổng cục KTTV Quốc gia khuyến cáo, cần lưu ý là gió giật rất mạnh nên với những cây cầu dài như Vĩnh Tuy, Nhật Tân có thể xem xét cấm cầu để đảm bảo an toàn. Việc cấm các phương tiện giao thông di chuyển trên quốc lộ hay cầu đã được một số địa phương thực hiện trước đó. Ví dụ, ở Quảng Ninh khi bão đổ bộ trực tiếp, chính quyền sẽ cấm người và phương tiện qua cầu Bãi Cháy. Năm 2017 Hà Tĩnh cũng cấm lưu thông đoạn Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh khi bão vào.

Khả năng cao xuất hiện đợt lũ lớn trên các sông ở Bắc Bộ như sông Thao, sông Đà, sông Bùi, sông Bưởi… Lũ ở mức báo động 3. Với lượng mưa 300-400 mm, tình trạng lũ quét, sạt lở đất khả năng cao xảy ra ở nhiều tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai…

Đặc biệt, Lào Cai vừa bị ảnh hưởng đập chất thải bị vỡ. Nếu xuất hiện mưa lớn, khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn với các hồ chứa chất thải ở các khu công nghiệp, khu sản xuất. Đây là mối đe doạ với cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương ở vùng núi phía bắc đang khắc phục hậu quả, tổn thương của lũ quét, sạt lở đất. Do vậy, quá trình ổn định cuộc sống sắp tới sẽ rất khó khăn. Công tác phòng chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai càng quan trọng./.

Theo Thu Cúc

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên