Hai kịch bản tăng trưởng ngành dệt may
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết với bài học từ năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất và đặc biệt đa dạng hóa thị trường.
- 21-07-2022Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD dù còn nhiều khó khăn
- 03-07-2022Đơn hàng dệt may chững lại
- 07-12-2021Xây dựng 3 kịch bản về đích của ngành dệt may năm 2022, tích cực nhất đạt kim ngạch xuất khẩu 43,5 tỷ USD
Năm 2023 ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD. Vì là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023 trong bất kì kịch bản nào.
Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I năm sau mọi việc sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, trong kịch bản 2 ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 - mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, cả thế giới không đặt hàng dệt may dài hạn vì vậy, các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn.
"Bài học của 6 tháng đầu năm 2022 khi quá mua, tạo ra lượng tồn kho rất lớn và phải xử lý trong 6 tháng vừa qua. Hiện nay toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu đặt hàng căn cứ trên sức mua, giám sát theo sức mua, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh, lượng hàng nhỏ để toàn chuỗi không bị tăng tồn kho ngoài dự kiến", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Với bài học từ năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất và đặc biệt đa dạng hóa thị trường
Ngoài chuyển đổi sản xuất đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết bài học từ năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi và đặc biệt đa dạng hóa thị trường.
"Chúng tôi đang đưa một số sản phẩm xu hướng vào Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng rất cần sản phẩm ngoại nhập đi đúng xu hướng, có chất lượng. Có thể chúng tôi phải thông qua bằng phương án thương mại điện tử nhiều hơn", ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean cho biết.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, đã có bài học rất lớn trong năm 2022 rồi và bây giờ các doanh nghiệp dệt may bắt đầu thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, chứ không còn chuyên môn hóa, nên hiện vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
Trung Quốc được dự báo sẽ sớm mở cửa nền kinh tế vào năm 2023. Cùng với triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ tươi sáng hơn từ quý III năm tới do được giảm thuế nhập khẩu… là những điểm sáng cho bức tranh dự báo. Tuy nhiên, ngoài tác động chính từ tổng cầu thế giới trong năm sau, chiến lược của từng doanh nghiệp cũng sẽ tác động đến kết quả kinh doanh khi dự báo năm sau biên lợi nhuận của các công ty dệt may cũng sẽ giảm 0,8 - 1 điểm % so với cùng kỳ.
VTV.VN