MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai lần đạt giải Nhất HSG thành phố, giành Huy chương Olympic, nam sinh TP.HCM chia sẻ loạt bí quyết "nhỏ mà có võ"

27-12-2023 - 17:15 PM | Sống

"Chinh chiến" qua nhiều cuộc thi, theo Tiến, có những bí quyết nếu nắm chắc các bạn học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc chinh phục mức điểm như mong muốn.

Đinh Văn Tiến hiện là sinh viên năm cuối ngành Quan hệ công chúng trường Đại học Văn Lang. Đồng thời, nam sinh này còn tại đảm nhận vị trí nhân viên Marketing tại một hệ thống Ngân hàng số.

Có niềm yêu thích với môn Ngữ văn và việc sáng tạo những câu chữ, dù không xuất thân từ trường chuyên, lớp chuyên nhưng thời phổ thông, Tiến đã giành được những kết quả đáng nể trong các cuộc thi học sinh giỏi (HSG).

Nam sinh TP.HCM từng 2 lần đạt giải Nhất ở kỳ thi HSG TP.HCM và 1 huy chương (đồng) Olympic 30/4 môn Ngữ Văn. Tiến từng đảm nhận vị trí Bí thư Đoàn trường THPT Tân Bình; Top 10 Thủ lĩnh học sinh TPHCM năm 2018.

Hai lần đạt giải Nhất HSG thành phố, giành Huy chương Olympic, nam sinh TP.HCM chia sẻ loạt bí quyết "nhỏ mà có võ"- Ảnh 1.

Đinh Văn Tiến - hiện là sinh viên năm cuối ngành Quan hệ công chúng trường Đại học Văn Lang

"Chinh chiến" qua nhiều cuộc thi, theo Tiến, có những bí quyết nếu nắm chắc các bạn học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc chinh phục mức điểm như mong muốn tại các cuộc thi HSG môn Văn.

Thứ nhất, nắm chắc cấu trúc đề thi và phương pháp làm bài

Đây là điều hiển nhiên mà bất kỳ học sinh nào cũng phải nắm dù ở bất cứ cuộc thi nào. Nắm chắc cấu trúc đề thi nghĩa là gì? Theo Tiến, các bạn nên nắm được đề gồm bao nhiêu câu, nội dung chính của các câu thường được triển khai như thế nào, yêu cầu ra sao, hướng đề là đóng hay mở từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào phòng thi.

Các bạn nên tham khảo các đề thi của những năm gần đây hay ra thi (khu vực hiện tại của bạn). Các kỳ thi học sinh giỏi của TP.HCM theo Tiến đề thường khá mở và không ép học sinh triển khai trong khuôn khổ. Chính điều này sẽ giúp học sinh tự do sáng tạo và thoải mái hơn trong việc lập luận và dẫn chứng.

Các bạn cũng có thể tham khảo các sách tổng hợp đề thi như: Tuyển tập đề thi Olympic 30 tháng 4 hay các đề thi trước đó trên mạng.

Về phương pháp làm bài, các bạn nên nắm chắc được bố cục một bài viết gồm những phần nào, mở bài thường mình phải làm gì, mở bài của NLXH sẽ khác như thế nào với NLVH, thân bài, mở rộng và kết bài cũng vậy. Khi nắm chắc được phương pháp làm bài rồi thì đề nào ra bạn cũng sẽ xử lý nhanh gọn lẹ thôi.

Thứ hai, "nâng cấp" câu từ và cách diễn đạt

Đã đi thi học sinh giỏi thì câu từ và cách diễn đạt thông thường sẽ không khiến bạn khác biệt so với những bài khác. Thay vì sử dụng câu "Tác giả đã tạo ra một tác phẩm tuyệt vời" thì mình sẽ "nâng cấp" câu từ và cách diễn đạt cho bay bổng và "dài" ra một tí như: "Bằng tất cả những trải nghiệm thực tế cùng với quả tim ấm nóng biết rung động với những vẻ đẹp cuộc sống, tác giả… đã cho ra đời đứa con tinh thần tuyệt vời…".

Hay khi muốn khen tác giả, Tiến sẽ không chỉ dùng các câu như: "Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng phép nhân hóa để…" mà sẽ biến tấu một tý thành "Với ngòi bút văn chương giàu tinh tế, tác giả đã vô cùng dụng công khi sử dụng phép nhân hóa để…".

Hay với câu: "Tác giả đã khắc họa nên một nhân vật tuyệt vời" Tiến sẽ biến tấu thành: "Tác giả như bắt trọn được những rung cảm khẽ khàng từ quả tim thấm đẫm tình thương của người đọc mà đã tạo nên một nhân vật vô cùng tuyệt vời".

Cá nhân Tiến thường sử dụng những cách diễn đạt và câu từ này trong bài viết và nam sinh thấy nó mang lại hiệu quả và sự khác biệt so với những bài với lối diễn đạt truyền thống khác.

Thứ ba, không cần học nhiều, chỉ cần học chắc

Cá nhân Tiến trước khi thi chẳng khi nào học quá nhiều tác phẩm, quá nhiều lý luận và nhận định văn học vì không dùng hết. Nhiều bạn sẽ nói rằng: "Biết ra đề nào đâu, học hết cho chắc!", Tiến cho biết, mình vô cùng đồng ý với quan điểm trên nhưng theo Tiến, Văn học hay ở chỗ, dù bạn có đọc tác phẩm nào thì giá trị, chức năng của Văn học cũng nằm luẩn quẩn ở trỏng. Đơn giản vì nó đã là tác phẩm Văn học rồi thì sao thoát được chức năng của Văn học, chạy qua chạy lại cũng chỉ bao nhiêu đó.

Vậy nên, mỗi thời kỳ, mỗi thể loại Tiến sẽ lựa chọn học vài tác phẩm, vài nhân vật tiêu biểu để học. Không cần học nhiều, chỉ cần nắm chắc được tình tiết, nội dung, nghệ thuật thì đề nào cũng triển khai được. Học nhiều mà không chắc thì vào thi tâm lý không vững rồi quên, không biết dùng tác phẩm nào, phân tích hời hợt thì "toang"!

Hai lần đạt giải Nhất HSG thành phố, giành Huy chương Olympic, nam sinh TP.HCM chia sẻ loạt bí quyết "nhỏ mà có võ"- Ảnh 2.

Nam sinh TP.HCM từng 2 lần đạt giải Nhất ở kỳ thi Học sinh giỏi TP.HCM và 01 huy chương (đồng) Olympic 30/4 môn Ngữ Văn

Thứ tư, "tủ" mọi thứ

Theo Tiến, chắc chắn là phải tủ đặc biệt là mở bài mà bạn có thể áp dụng cho tất cả các đề. Tiến chia sẻ, mình thi từ vòng cấp trường, cấp huyện rồi thành phố, dù lớp 9, 11 hay 12 thì cũng chỉ dùng cái mở bài quen thuộc thôi.

Vì sao?

Bạn sẽ không quá mất thời gian để suy nghĩ là mình sẽ mở bài ra sao, mình sẽ viết gì, bạn sẽ không thể ngồi viết ra nháp, ưng ý rồi mới chép ra lại. Thời gian đâu ra mà làm vậy? Hết 5 phút đọc đề là phải bắt tay viết liền. Không những vậy, bạn sẽ tự tin khi viết và cảm thấy sự khỏi đầu của mình sẽ trơn tru hơn, từ đó tạo động lực để bạn viết cho những phần sau nhiều hơn.

Nhớ là tủ luôn mấy câu bạn thấy hay hay, những cách diễn đạt bạn thấy tâm đắc như: khen tác giả bạn lấy liền câu A, dẫn dắt từ mở bài xuống thân bài bạn lấy ngay câu B, chuyển đoạn lấy ngay câu tủ C,... Tất cả những điều này sẽ giúp bạn tự tin và bài làm của bạn sẽ sáng hơn rất nhiều.

Thứ năm, tâm lý là vũ khí quan trọng nhất

Nhiều bạn chưa bước vào phòng thi là mồ hôi "mẹ" mồ hôi "con" đổ tùm lum rồi. Ngồi trước cửa chuẩn bị đọc tên vào phòng thi rồi mà vẫn ráng "nhồi nhét" kiến thức. Những điều này không khiến bạn an tâm hơn, thậm chí càng khiến bạn cảm thấy áp lực và căng thẳng.

Trước khi bước vào phòng thi Tiến sẽ lấy cảm hứng. Tiến sẽ nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây, nhìn hoa, nhìn chim đủ thứ. Đã là văn chương thì phải bay bổng và tinh thần người viết phải thật sự tốt và nhẹ nhàng. Vậy thì khi vào viết mới tuôn trào những ý tưởng được.

Đừng quá đặt nặng mình phải viết 5, 6 đôi giấy hay phải giải A, B, C. Đã bước vào phòng thi rồi thì đừng quá áp lực, đừng tự tạo thêm cho mình những gánh nặng không đáng có mà bí ý tưởng, bí câu từ rồi kết quả chẳng là gì.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ số

Trở lên trên