Hai loại hình bất động sản dự đoán sẽ “soán ngôi” trong năm 2024, chuyên gia chỉ ra “điểm huyệt” phục hồi
Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills Tp.HCM, năm 2024 khách sạn hứa hẹn tiếp tục phục hồi nhờ vào sự trở lại của khách châu Á và nhu cầu du lịch trong nước. Tình hình hoạt động đã gần trở lại mức trước đại dịch, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng từ các thị trường nguồn.
Khách sạn: Doanh thu du lịch tốt nhất 5 năm qua
Theo báo cáo của Savills, Tp.HCM tiếp tục là điểm đến hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023, chào đón 40 triệu lượt khách; 13% là khách quốc tế. Có 5 triệu lượt khách quốc tế đến Tp.HCM, tăng 44% theo năm và chiếm 40% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ bằng 58% so với năm 2019.
Trong năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú tại Tp.HCM tăng 60% theo năm, đạt mức 12 nghìn tỷ đồng. Số liệu này tăng 6% so với năm 2019 dù công suất phòng có phần kém hơn, thể hiện sự thay đổi trong tỷ trọng phòng được thuê theo hạng. Khách sạn 5 sao chiếm 45% số phòng được thuê, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2019, trong khi 3 sao giảm 5 điểm phần trăm, chiếm 27% thị phần.
Như vậy, Tp. HCM đã ghi nhận doanh thu du lịch tốt nhất 5 năm qua, trong năm 2023, tăng 22% theo năm và tăng 25% so với năm 2019, đạt mức 160 nghìn tỷ đồng.
Trong quý 4/2023, nguồn cung khách sạn tăng 2% theo quý khi có thêm 5 dự án đạt xếp hạng ba sao. Tổng nguồn cung tại Tp.HCM đạt 15.991 phòng từ 114 khách sạn, tăng 3% theo năm, tương đương nguồn cung năm 2019. Hai khách sạn bốn sao quốc tế gia nhập vào năm 2023, gồm Ramada Encore Sài Gòn By Wyndham (70 phòng) và Sotetsu Grand Fresa Sài Gòn (125 phòng).
Đến năm 2026, có bốn khách sạn với 800 phòng xác nhận sẽ khai trương, trong khi nhiều dự án đang trong quá trình lập kế hoạch và chưa có thời gian mở cửa cụ thể. Khách sạn 5 sao Hilton Sài Gòn sẽ khai trương vào quý 1/2024.
Theo Savills, năm 2024, Sở Du lịch Tp.HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế và 38 triệu khách nội. Doanh thu du lịch được kì vọng đạt mức 190 nghìn tỷ đồng. Việc hoàn thành nhà ga hành khách mới T3 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến vào quý 2/2025, sẽ giải quyết tình trạng quá tải hiện tại và phục vụ lượng khách ngày càng tăng cao.
Căn hộ dịch vụ: Nhu cầu và giá thuê tăng
Đây cũng là loại hình bất động sản mà theo Savills Việt Nam đang trở lại đường đua mạnh mẽ. Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn đang trên đà phục hồi và tiếp tục tăng trưởng.
Trong năm 2023, nguồn cung loại hình này tăng lên 8.200 căn nhờ sự tăng trưởng của Hạng B và C. Trong đó, 27 dự án mới cung cấp 840 căn; 85% là studio và căn hộ một phòng ngủ từ các dự án Hạng C.
Nguồn cung tương lai hạn chế; đến năm 2025, dự kiến chỉ có 600 căn đến từ chín dự án. Trong đó, năm dự án với 260 căn dự kiến sẽ mở lại vào năm 2024 sau khi đã cải tạo.
Giai đoạn 2019-2023, công suất giảm 1 điểm phần trăm và giá thuê giảm 3% mỗi năm. Khách thuê mục tiêu của phân khúc này là các chuyên gia nước ngoài và khách công tác, nên tình hình hoạt động đã bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch.
Năm 2023, công suất đạt 82% tăng 6 điểm phần trăm theo năm và giá thuê ở mức 516.000 đồng/m2/tháng tăng 3% theo năm. Tuy nhiên, so với năm 2019, công suất thấp hơn 2 điểm phần trăm và giá thuê thấp hơn 11%.
Trong quý 4/2023, công suất đạt 81% ổn định theo quý nhưng giảm 2 điểm phần trăm theo năm. Giá thuê ở mức 510.000 đồng/m2/tháng, giảm 2% theo quý và 1% theo năm do giá thuê của các dự án Hạng C mới gia nhập thấp hơn mức trung bình của thị trường.
Giá thuê của tất cả các hạng đều tăng theo năm nhờ nhu cầu được phục hồi tốt. Giá thuê của Hạng C có mức tăng cao nhất theo năm với 8%, tiếp theo là Hạng B ở mức 5% và Hạng A ở mức 3%.
Theo đại diện Savill, chuyên gia nước ngoài quay trở lại và tăng trưởng FDI sẽ thúc đẩy sự phát triển căn hộ dịch vụ.
Tp.HCM luôn trong top các tỉnh, thành thu hút FDI cao. Năm 2023, tổng vốn FDI ở Tp.HCM đạt 5,9 tỷ USD tăng 49% theo năm và đứng đầu cả nước. Vốn đăng ký mới đạt 598 triệu USD từ 1.202 dự án. Các nước châu Á, như Singapore và Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu. Singapore chiếm 36% tổng vốn FDI, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 22% và Canada chiếm 9%.
Nhịp sống thị trường