MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai năm khóc ròng, tồn kho chục ngàn ô tô, càng buôn càng lỗ

29-11-2019 - 12:58 PM | Thị trường

Gần 2 năm qua, doanh số bán xe tải giảm mạnh. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, nhiều doanh nghiệp đang chìm trong khó khăn.

Chìm trong khó khăn

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe tải tính đến hết tháng 10/2019 vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng khi đạt 52.408 xe, giảm 1% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, doanh số bán xe tải 10 tháng năm 2018 giảm tới 19% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, kinh doanh xe tải vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhiều DN đang chìm trong khó khăn.

Có lẽ, chỉ một số DN như Trường Hải, TC Motor, Đô Thành,... có doanh số bán tốt, còn hầu hết đều kém.

Chẳng hạn, Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp (VEAM) chỉ bán được 908 xe các loại trong 10 tháng đầu năm. Tại Nhà máy ô tô VEAM, lượng xe tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, kết quả sản xuất 9 tháng 2019 mới đạt 25% kế hoạch của cả năm.

Hai năm khóc ròng, tồn kho chục ngàn ô tô, càng buôn càng lỗ - Ảnh 1.

Hiện những xe tải có tải trọng từ 16 tấn trở lên rất khó bán (ảnh minh họa).


Công ty CP Hoàng Huy có doanh thu từ hoạt động kinh doanh ô tô tải và đầu kéo đạt 109,6 tỷ đồng, chiếm 29% trong tổng doanh thu, thấp nhất so với cùng kỳ vài năm qua.Báo cáo tài chính của Công ty CP Ô tô TMT cho thấy, hết quý 3/2019, doanh thu thuần đạt 995 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lỗ ròng gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 8 tỷ đồng. Tồn kho của DN này lên tới hơn 1.100 tỷ đồng, chủ yếu là hàng giảm giá trị, hàng gửi đi bán và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Cổ phiếu của một số DN xe tải trên thị trường giảm thê thảm, xuống thấp xa dưới mệnh giá 10.000 đồng. Điển hình, cổ phiếu TMT có giá hơn 5.000 đồng/cp, giảm 40% so với đầu năm; thanh khoản èo uột, trung bình chỉ khoảng 1.000 đơn vị mỗi phiên. Cổ phiếu của Hoàng Huy hơn 3.000 đồng/cp, giảm gần 29% so với tháng 3/2019. Cổ phiếu của Công ty CP Ô tô Giải Phóng chỉ 1.900 đồng/cp.

Một DN sản xuất lắp ráp xe tải tại TP.HCM cho hay, tính chung toàn thị trường doanh số bán xe tải năm 2019 giảm khoảng 15% so với 2018. Nhiều DN từ đầu năm tới nay chỉ bán được vài trăm xe, còn tồn kho cả nghìn chiếc khiến chi phí bảo quản, lưu kho bãi với xe tồn và các linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên.

Không ít DN có lượng xe tồn kho từ vài năm trước để lại nay không biết làm thế nào. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, một số DN phải tạm ngừng kế hoạch đưa ra mẫu xe mới.

DN sản xuất lắp ráp xe tải gặp khó khiến các đại lý bán hàng cũng lao đao theo. Nhiều DN có hàng chục đại lý trên cả nước, từ đầu năm chỉ bán được vài trăm xe, chia đều ra thì số lượng bán ra của mỗi đại lý chẳng đáng là bao.

Lo thua lỗ phá sản

Kinh tế tăng trưởng tốt, nhu cầu về vận tải, lưu thông hàng hóa lớn, vậy nhưng 2 năm liên tiếp, từ 2018 đến nay, phân khúc ô tô tải có tăng trưởng âm, khiến nhiều người không hiểu nổi lý do.

Các DN lý giải, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do việc kiểm soát chở hàng quá tải, sau một thời gian siết chặt, đã dừng lại. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh vận tải thấy không cần đầu tư thêm xe mới. Những DN kinh doanh vận tải năm trước đây đã mua lượng xe lớn nên nhu cầu giảm.

Thời gian qua khách hàng cá nhân mua ô tô để chuyên chở hàng hóa cũng giảm mạnh. Nhiều người cho biết do thiếu hợp đồng vận chuyển nên mua xe không hiệu quả. Cạnh tranh trong lĩnh vực vận tại đang diễn ra mạnh mẽ giữa các DN và hộ gia đình. Những DN vận tải có số lượng xe nhiều, quản lý chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nên có giá thành thấp đã lấy đi nhiều khách hàng của các hộ gia đình có xe chuyên chở thuê.

Trong khi đó, ngân hàng lại siết chặt cho vay vốn mua xe tải, vì vậy nhiều cá nhân và hộ gia đình khó tiếp cận nguồn tín dụng như trước.

Nhân viên một ngân hàng phụ trách mảng thu hồi nợ kể rằng, do cạnh tranh gay gắt nên hoạt động cho vay mua ô tô khá dễ dãi. Khách hàng thường được vay số tiền giá trị lớn, thời gian kéo dài. Song, không ít người mua xe chây ì, không chịu thanh toán đúng hẹn, khiến ngân hàng gặp rủi ro. Vì vậy, phía nhà băng đã siết chặt cho vay với lĩnh vực này để tránh nợ xấu.

Ngoài ra, nhiều mẫu xe chất lượng kém, sản xuất láp ráp xong không bán được, vì vậy hàng tồn kho nhiều khiến DN thêm khó khăn. Đến nay, vẫn còn xe tải tiêu chuẩn Euro 2 tồn kho chưa tiêu thụ hết.

Thị trường hiện chỉ có những mẫu xe tải 5 tấn, chất lượng đảm bảo, vẫn còn duy trì doanh số bán ổn định. Tuy vậy, các DN cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi, trong khi trước đây không cần khuyến mãi vẫn bán tốt. Chỉ những xe tải có tải trọng từ 16 tấn trở lên là rất khó bán.

Dự báo, năm 2020, sản xuất kinh doanh xe tải khó có sự khởi sắc. Khó khăn sẽ thuộc về những DN còn hàng tồn kho lâu năm, không thể tiêu thụ được, cho dù có giảm giá bán. Nguy cơ hãng xe tải thua lỗ, phá sản, phải bán tài sản là hiện hữu.

Theo Trần Thủy

Vietnamnet

Trở lên trên