Hai ngân hàng cùng sở hữu Nhà nước, chung định hướng, mục tiêu hoạt động: Một đằng nợ xấu hơn 17%, một bên chưa đến 1%
Cùng làm Ngân hàng chính sách nhưng VDB với đối tượng phục vụ chủ yếu là các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu theo quy định thì nợ xấu hơn 17%, còn NHCSXH cho vay người nghèo thì nợ xấu chưa đến 1%.
Ngày 16/10/2019, tại Hà Nội, Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) họp phiên thường kỳ Quý III/2019. Theo báo cáo của NHCSXH, 9 tháng đầu năm 2019, NHCSXH đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành ở Trung ương để tiếp nhận nguồn ngân sách bổ sung vốn điều lệ, vốn thực hiện chương trình; đồng thời, tích cực huy động vốn trên thị trường, nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, tạo lập nguồn vốn để triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng.
Đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng (+6,2%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch.
Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%).
Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.
Cùng xuất hiện trong thời điểm này là về hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước gửi đại biểu Quốc hội được đề cập mới đây cho biết, kết luận kiểm toán tại VDB chỉ ra hoạt động tín dụng thời gian qua của ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 âm hơn 866 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm tới 17,2% tổng dư nợ.
Đặc biệt, hiện nay số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.Trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... Kiểm toán Nhà nước đánh giá điều này khiến "tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động".
Tại Việt Nam, hai ngân hàng trên là hai mô hình đều thuộc sở hữu nhà nước và đều có định hướng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đối tượng phục vụ của VDB là tập trung vào các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
Còn Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Hiện Tổng giám đốc của VDB là ông Đào Quang Trường (vừa được bổ nhiệm hồi tháng 6 vừa qua) còn Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Chí Trang. Trước đó, ông Trường từng được tạm giao nhiệm vụ phụ trách Ban điều hành VDB từ ngày 1/10/2017 để thay thế ông Trần Bá Huấn, nguyên Tổng giám đốc VDB, nghỉ hưu theo chế độ.
Hội đồng quản trị VDB gồm 4 thành viên, gồm ông Bùi Tuấn Minh (Phó Chủ tịch HĐQT) và 3 thành viên HĐQT khác là ông Đào Quang Trường, Nguyễn Chính Tuấn và Phạm Dương Linh.
Trong khi đó Ngân hàng Chính sách xã hội có chủ tịch là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn Tổng giám đốc là ông Dương Quyết Thắng.