Hai ông lớn ngành xây dựng bắt tay thúc đẩy văn hóa an toàn doanh nghiệp
Việt Nam đã tiến hành ký kết nhiều hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó việc đảm bảo môi trường lao động theo tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế là những cam kết bắt buộc.
Đồng thời, xây dựng là ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao. Xây dựng văn hóa an toàn vững mạnh là yếu tố cốt lõi và xu thế tất yếu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xây dựng.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo "Tạo lợi thế cạnh tranh thông qua văn hóa an toàn" tại Hà Nội do NS BlueScope Việt Nam tổ chức với sự góp mặt của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã thu hút đông đảo sự tham gia của 150 đại biểu đến từ 80 doanh nghiệp xây dựng phía Bắc.
An toàn lao động: Xu thế tất yếu
Trên thực tế, ngành xây dựng là ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, chiếm tổng số 31% các vụ tai nạn lao động – theo Báo cáo tai nạn Lao động 2018 của Cục An toàn lao động. Trong đó, bốn nguyên nhân tử nạn chủ yếu là: Ngã cao (22%), Vật rơi và đổ sập (21%), Điện giật (11%), Máy thiết bị cán, cuốn, kẹp (11%).
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm. Việt Nam đã tiến hành ký kết 13 hiệp định tự do thương mại (FTA), đặc biệt là CPTPP đã quy định rất cụ thể các vấn đề về lao động trong chương 19 và các vấn đề về môi trường trong chương 20, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp.
Kinh tế phát triển cùng với các yêu cầu của chủ đầu tư gia tăng, đồng nghĩa với việc an toàn lao động trong ngành càng cần được quan tâm hơn nữa.
Văn hóa an toàn: Từ "trở lực" thành "động lực"
Ông Trương Anh Hải - Phó Tổng giám đốc Sức khỏe, An toàn, Môi trường và Cộng đồng (HSE&C) của NS BlueScope Việt Nam chia sẻ một nghiên cứu cho thấy việc thực hiện văn hóa an toàn trong doanh nghiệp không phải trở lực, mà ngược lại, là động lực phát triển.
Nghiên cứu này đã chỉ ra việc thực hiện văn hóa an toàn trong doanh nghiệp sẽ đem lại 5 lợi ích: Chỉ số mất thời gian lao động giảm rõ rệt; Khả năng có hợp đồng mới tăng lên hơn 20% so với năm trước; ROI (Return on Investment) - tỷ suất hoàn vốn cao hơn; Tỷ lệ nhảy việc của người lao động thấp hơn; và cuối cùng là điểm thu hút nhân tài.
Kinh nghiệm quản lý an toàn lao động từ các ông lớn ngành xây dựng
Một ví dụ điển hình cho lợi thế cạnh tranh nhờ xây dựng văn hóa an toàn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ: Nhờ ý thức được tầm quan trọng của an toàn và xây dựng văn hóa an toàn, HBC trong 5 năm vừa qua, từ năm 2013 năm 2018, doanh thu đã tăng đến 5 lần. Năm 2018, HBC đã thực hiện 90 dự án trên khắp Việt Nam và đã có 75 triệu giờ lao động không tai nạn. Năm 2019, tính đến tháng 10, HBC có 67 triệu giờ lao động không tai nạn. Về quản lý an toàn, HBC kết hợp song song 3 hệ thống: Hệ thống Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp: ISO 14001 và OHSAS 18001 (Chứng chỉ được Tổ chức Tiêu chuẩn Anh (BSI) cấp); Hệ thống quản lý dự án tích hợp toàn diện (Project Management System); và hệ thống HSE của Tập đoàn kiểm tra/đánh giá định kỳ hàng quý và đột xuất…
Theo ông Lê Viết Hải, HBC đã có 75 triệu giờ lao động không tai nạn năm 2018 và tính đến tháng 10/2019 là 67 triệu giờ lao động không tai nạn.
Với BlueScope, doanh nghiệp sử dụng phần mềm G.R.E.A.T với những tính năng hiệu quả, giúp dễ dàng kiểm tra an toàn lao động tại công trường. G.R.E.A.T được xây dựng với tiêu chí dễ sử dụng, rà soát được toàn bộ quy trình an toàn, tương tác nhanh và trực tiếp với các bộ phận liên quan. "Nhờ giao diện này mà người quản lý luôn nắm được toàn bộ thông tin an toàn của dự án ở mọi lúc mọi nơi", đại diện BlueScope cho biết.
Nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn lao động tại Việt Nam và hướng đến dự án xây dựng không tai nạn lao động, trong hai năm qua, BlueScope liên tục triển khai chương trình "Nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn vệ sinh lao động" tại các địa phương Công ty có đặt nhà máy sản xuất.
BlueScope đã sử dụng phần mềm G.R.E.A.T để quản lý an toàn lao động tại công trường.