Hai ông lớn thép ngoại Posco và Formosa làm ăn ra sao tại Việt Nam?
Posco, ông lớn sản xuất thép từ Hàn Quốc, ghi nhận khoản lỗ hơn 39,7 tỷ won (khoảng 712 tỷ đồng) từ hoạt động tại Việt Nam năm 2022, trong khi đó Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) cũng lỗ 10 tỷ Đài tệ (khoảng 7.569 tỷ đồng).
- 19-06-2023Cán cân nợ vay cao, nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, thép có được hưởng lợi khi NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành?
- 12-06-2023Tập đoàn quy mô vài trăm nghìn tỷ của đại gia kín tiếng Ninh Bình: Đầu tư đa ngành loạt dự án khủng từ điện, thép đến cảng biển, lọc dầu, chăn nuôi lợn
- 09-06-2023"Đại gia" thép Formosa hạn chế nhập khẩu nguyên liệu làm tổng thu ngân sách tỉnh Hà Tĩnh giảm 2 chữ số
Năm ngoái, Posco Việt Nam đạt doanh thu 855,6 tỷ won (khoảng 15.330 tỷ đồng), giảm 26,14% so với năm 2021, theo báo cáo của công ty mẹ Posco Holdings. Khấu trừ các chi phí, công ty năm 2022 ghi nhận lỗ 39,7 tỷ won (khoảng 715 tỷ đồng), trong khi năm 2021 Posco Việt Nam có lãi 42,19 tỷ won (khoảng 756 tỷ đồng).
Ngoài ra, Trung tâm Gia công Posco Việt Nam, chuyên phụ trách gia công, tiếp thị, và kinh doanh sản phẩm thép của Posco tại Việt Nam, ghi nhận doanh thu tăng 28,7% đạt 783,8 tỷ won (14.043 tỷ đồng). Song, lãi ròng chỉ là 4,93 tỷ won (88,3 tỷ đồng), thấp hơn 79% so với kết quả năm 2021.
Posco Việt Nam được thành lập tháng 11/2006 tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà máy cán nguội của công ty được xây dựng có quy mô lớn nhất tại Đông Nam Á, với công suất bình quân đạt 1,2 triệu tấn/năm. Posco đã đầu tư 2 tỷ USD tại Việt Nam và theo ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc Posco Việt Nam, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa.
Giống Posco, Formosa Hà Tĩnh cũng lỗ ròng trong năm 2022. Theo báo cáo của công ty mẹ là Tập đoàn nhựa Formosa (Formosa Plastics Group), Formosa Hà Tĩnh lỗ đến 10 tỷ Đài tệ (khoảng 7.568 tỷ đồng).
Formosa cho biết nguyên nhân khoản lỗ là do đơn vị phát triển sản phẩm thép mới cho xuất khẩu, nhưng tiêu thụ ngành thép toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng tới Formosa. Formosa Hà Tĩnh đã phải điều chỉnh lại sản xuất nhà máy cho phù hợp.
Một đơn vị khác của Formosa tại Việt Nam là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (tên quốc tế Formosa Industries Corporation) trong năm 2022 lỗ 2,2 tỷ Đài tệ (khoảng 1.665 tỷ đồng), do các yếu tố bất lợi như các sản phẩm cạnh tranh của Trung Quốc có giá rẻ, giá năng lượng đầu vào tăng cao, lạm phát, và nhu cầu giảm.
Formosa bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 tại Đồng Nai, sản xuất đa ngành với các nhà máy dệt, nhà máy sợi nhân tạo, nhà máy sản xuất nhựa, nhà máy nhiệt điện. Năm 2008, Formosa đã quyết định rót vốn đầu tư dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án khởi công từ tháng 7/2008 với tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), với thời gian thuê đất là 70 năm.
Khó khăn của ngành thép trong năm 2022 cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Điển hình nhất là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) năm 2022 ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 142.771 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, giảm 76%.
Xét ở kỳ BCTC gần nhất (quý I/2023), doanh thu HPG đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 383 tỷ đồng, thua xa so với mức quý I/2022 đạt hơn 8.206 tỷ đồng.
Hay, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) tại BCTC kiểm toán bán niên 2022-2023 (từ 1/10/2022 đến 31/3/2023) lỗ ròng 424,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 873 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 hồi tháng 3, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua rồi, nội lực của HPG và tương lai về triển vọng vẫn tốt song hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ cho rằng những khó khăn của ngành có thể kéo dài tới cuối năm 2024 vì các vấn đề vĩ mô như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu ở mức cao, nhu cầu suy giảm.
Nhà đầu tư