MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Phát - Đại gia bất động sản kín tiếng, âm thầm thâu tóm dự án

19-07-2016 - 09:42 AM | Bất động sản

Khởi đầu kinh doanh cách đây 13 năm với số ban đầu chỉ 8 tỉ đồng, liên tục tăng vốn lên hàng trăm tỉ đồng nhiều năm qua, đến nay Hải Phát trở thành nhà phát triển BĐS “không phải dạng vừa” trên thị trường địa ốc.

Thậm chí, ngay trước khi Hà Nội chấp thuận chủ trương thương vụ mua lại dự án HPC Landmark 105 (tòa 105 CT2 Usilk City) làm xôn xao giới địa ốc mới đây từ Sông Đà Thăng Long, không ít người còn hoài nghi thực lực của Hải Phát.

Ngay cả khi rất nhiều dự án BĐS tại Hà Nội được đầu tư bởi Hải Phát như KĐT Văn Phú (Hà Đông), The Pride (Hà Đông); Khu đô thị mới Tân Tây Đô (Đan Phượng); Dự án Nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông)…, nhưng cái tên Hải Phát gần như rất ít người biết đến trên thị trường, có lẽ do sự kín tiếng của người đứng đầu công ty này.

Gần đây, Hải Phát thâu tóm một loạt dự án BĐS, đặc biệt là thương vụ nhảy vào dự án tai tiếng Usilk City khiến dư luận xôn xao, tò mò tìm hiểu về đại gia địa ốc này. Vậy Hải Phát là ai?

Từ một doanh nghiệp vận tải, xây lắp nhỏ bé…đến đại gia địa ốc nghìn tỷ

Cách đây 13 năm, những người đứng đầu Hải Phát nhăm nhe bước vào kinh doanh với số vốn ban đầu ít ỏi chỉ khoảng 8 tỉ đồng, nhận những hợp đồng kinh doanh vận tải và xây lắp quy mô nhỏ.

Nhưng, sau đó chỉ 4 năm thành lập, Hải Phát đã nâng vốn lên gần gấp đôi 15 tỉ đồng và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Hải Phát, chính thức bước vào bất động sản, đúng lúc thị trường “nóng”, với dự án khởi đầu là KĐT Văn Phú.

Được biết, chủ tịch HĐQT Hải Phát là ông Đỗ Quý Hải, một doanh nhân khá kín tiếng, nhưng luôn đưa ra những quyết sách mạnh mẽ. Chỉ sau 1 năm tham gia thị trường, ông Hải đã quyết định tăng vốn lên 20 lần, tương ứng 300 tỉ đồng. Đây cũng là giai đoạn, Hải Phát thành lập nhiều công ty con.

Năm 2011, lúc thị trường BĐS vào giai đoạn “nóng bỏng” nhất Hải Phát tiếp tục tăng vốn lên gấp hơn 2 lần, tương ứng 750 tỉ đồng. Đồng thời liên tục ra đời các công ty con như Công ty CP Xây dựng Hải Phát, Công ty cổ phần Xây lắp Hải Phát, Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát, Công ty CP Đầu tư An Thịnh, Công ty CP ĐT & KĐT Nhân Hòa …

Tuy nhiên, đang trong đà tăng trưởng “nóng”, đầu tư đồng loạt nhiều dự án, nên khi thị trường bất động sản suy thoái năm 2012-2013, Hải Phát đã từng lâm vào khó khăn gần giống với tình trạng của Sông Đà Thăng Long.

Các dự án mà Hải Phát đầu tư bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn, đình trệ giống như hàng loạt công ty địa ốc khác. Tòa HH-B Tân Tây Đô và Tòa CT3 The Pride có thời điểm phải tạm ngừng thi công một thời gian, khách hàng mất niềm tin, tranh chấp.

Trong lúc gần như tuyệt vọng nhất thì Hải Phát đã chớp được thời cơ vào năm 2014, lúc thị trường nhen nhóm phục hồi. Nhờ việc “giải cứu” thành công dự án ở phân khúc trung bình Tân Tây Đô khi có gói 30.000 tỷ. Đánh giá cao và được tín nhiệm, MB Bank đã “bơm” 530 tỉ đồng vào thời điểm thị trường xuống thấp nhất, đã giúp cho Hải Phát hoàn thành và bàn giao cả hai dự án Tân Tây Đô và The Pride.

Được đà đi lên, đúng lúc thị trường khởi sắc vào 2015, thì Hải Phát nhanh chóng chiếm ưu thế trên thị trường nhà trung cấp, triển khai thành công CT3 The Prise và bàn giao nhà cho cư dân trước thời hạn.

Đây cũng là lúc mà ông Đỗ Quý Hải hướng đến mô hình “tập đoàn” khi tiếp tục cho ra đời Công ty CP Hải Phát Thủ đô, Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Hải Phát PSP, mua cổ phiếu của ngân hàng Việt Á, đấu giá thành công cổ phần của Tổng Công ty xây dựng CTGT 5 – Cienco 5,.

Có lẽ sự đồng cảm cùng với kinh nghiệm từng giải cứu thành công chính mình ra khỏi khó khăn, đứng vững trên thị trường và từng bước phát triển lớn mạnh hơn trước là một trong các lý do khiến Chủ tịch Hải Phát quyết định “giải cứu” dự án Usilk City.


Công trình HPC Landmark 105 chính là tòa 105 CT2 Usilk City mà Hải Phát đã mua lại, đã rót trên 500 tỉ đồng, hiện đã xây đến tầng 34, dự kiến cất nóc 22/7 tới. Đây là tòa đầu tiên mà đại gia này nhảy vào giải cứu dự án tai tiếng Usilk City.

Công trình HPC Landmark 105 chính là tòa 105 CT2 Usilk City mà Hải Phát đã mua lại, đã rót trên 500 tỉ đồng, hiện đã xây đến tầng 34, dự kiến cất nóc 22/7 tới. Đây là tòa đầu tiên mà đại gia này nhảy vào "giải cứu" dự án tai tiếng Usilk City.

Lộ diện đại gia thâu tóm dự án “chết”

Cuối tháng 10/2015, Hải Phát Thủ đô “nhảy vào” dự án HPC Landmark 105, khiến không ít người giật mình, chính thức gắn tên tuổi Hải Phát với dự án đình đám một thời Usilk City.

Nhưng có lẽ cũng không bất ngờ, bởi Hải Phát cũng đã từng đầu tư nhiều dự án lớn trước đó như The Vesta (khu nhà xã hội lớn nhất Miền Bắc), The Pride và Tân Tây Đô đã hoàn thành,…

Ngoài ra, những động thái gần đây của Hải Phát cho thấy bước đi mô hình tập đoàn của đơn vị này càng rõ nét. Hải Phát Invest, một thành viên của Hải Phát Group đã có kế hoạch thâu tóm, hợp tác đầu tư, mua gom đất khá nhiều dự án chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2018.

Đơn cử như mới đây, Hải Phát đã bỏ ra 700 tỉ đồng để mua lại quyền khai thác 35% dự án KĐT Phú Lương (Hà Đông); đấu giá thành công 7.200m2 đất tại Vạn Phúc (Hà Đông) để phát triển khu nhà shophouse, khởi công dự án Hải Phát Plaza; Đầu tư vào một loạt dự án như Khu đô thị sinh thái Đồng Quang, Khu đô thị Tây Nam An Khánh, A7 Trung Yên,…

Bên cạnh đó, SĐTL đã cùng với Hải Phát tổ chức Hội nghị khách hàng tòa CT1-104 Usilk City, tại đó HP Invest được giới thiệu là đối tác dự kiến nhận chuyển nhượng lại tòa CT1-104.

Một thành viên khác, đó là Hải Phát Thủ đô, dù mới được thành lập tháng 4/2015. Tuy nhiên, dự án mà công ty này “ôm” trong tay cũng đáng nể về quy mô. Ít ai biết, trước khi nhảy vào HPC Landmark 105, Hải Phát Thủ đô đã thành lập Công ty Hải Phát Kinh Bắc - là chủ đầu tư dự án BT tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Đô và Sông Tiêu Tương tại Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 634 tỷ đồng. Đã ký 2 hợp đồng thầu trị giá 1.000 tỉ đồng ở dự án Usilk City.

Hải Phát Thủ đô cũng đã hợp tác toàn diện với SĐTL ở dự án Cồn Tân Lập (Nha Trang), và rất tham vọng phát triển Tổng Cienco 5 lớn mạnh với tư cách cổ đông chiến lước lớn thứ hai.

Với tổng giá trị tài sản ước đạt 6000 tỉ, tổng số nhân viên 500 người, Hải Phát đã trên đà trở thành một trong những tập đoàn lớn trong lĩnh vực BĐS. Được biết, mục tiêu của tập đoàn này đến 2025 có giá trị vốn hóa lên tới 1,5 tỉ USD.

Gia Bảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên