Hải Phòng: Cả xã mất trắng vụ lúa vì... chuột
Vụ mùa năm nay, hơn 150ha lúa của bà con thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng (Kiến Thụy, Hải Phòng) sẽ không được thu hoạch do chuột tàn phá tan hoang và người dân mất trắng mùa mang vì chuột.
- 25-07-2017Đổ xô trồng lúa Nhật: Nhiều rủi ro
- 13-07-2017Chuyển mục đích sử dụng hơn 137ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án tại Hưng Yên
- 10-03-2017Nigeria bùng nổ ngành trồng lúa – cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài
Chuột tàn phá mùa màng, dân “bó tay”!
Thời gian này, khắp “đầu làng, cuối xóm” thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, đi đến đâu cũng có thể nghe được tiếng “xì xèo”, ngao ngán của người dân rằng: Vụ mùa năm nay “mất trắng” do chuột! Sao chuột nhiều thế?! “Bó tay” với chuột?
Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Thanh, trú tại xóm 2, thôn Kim Đới trên cánh đồng thôn Kim Đới. Dáng người nhỏ bé, lam lũ, ánh mắt xót xa nhìn về cánh đồng chỉ còn sót lại lác đác một vài bông lúa, bà Thanh nói, nhà có 4 sào ruộng thì hiện nay cả 4 sào đều bị chuột tàn phá và cũng vào vụ này năm ngoái, 4 sào ruộng nhà bà chỉ thu được 2 bao thóc.
Bà Thanh mang chai dầu luyn xuống đổ xung quanh bờ ruộng nhà bà để ngăn chuột.
Tay run run cầm chai dầu luyn, bà Thanh buồn rầu cho biết, vì muốn vớt vát lại chút thành quả của vụ này nên bà đã mang chai dầu này xuống đồng đổ xung quanh bờ để khi chuột chui vào ruộng sẽ bị dầu dính vào lông và chuột ngửi thấy mùi dầu sợ không vào cắn phá nữa…
Quay trở lại khu dân cư thôn Kim Đới, vừa thấy phóng viên hỏi về tình hình vụ mùa năm nay, đã có khá đông người dân trong thôn kéo đến “kể lể”.
Bà con "bàn tán" về câu chuyện chuột phá mùa màng.
Bà Vũ Thị Lan cho biết, nhà có 3 sào ruộng, để chủ động phòng chống chuột, bà đã dùng nilon quây xung quanh 4 bờ. Tuy nhiên, đến giờ nilon cũng vô tác dụng, vì chuột cắn cả nilon rồi chui vào phá lúa.
Bà Trương Thị Xuân cho biết thêm, không chỉ dùng các biện pháp chống chuột như trên, vào đầu mùa, bà con còn dùng nhiều cách khác nhưng đều không thành. Cụ thể, người dân đặt bẫy thì chuột “né” bẫy, dùng thuốc diệt chuột ngoài thị trường thì “gà ăn không chết”, hò nhau đi bắt chuột nhưng cũng không xuể do mùa này nước lớn, chuột sinh sản nhiều… Đến thời điểm này, bà con đã bỏ mặc ruộng và “bó tay” với chuột.
Người dân cho biết, thực tế năng suất trồng lúa ở đây khá cao, vào vụ Chiêm có thể đạt tới 3 tạ/1 sào. Tuy nhiên, cứ vào vụ mùa thì năng suất thấp vì bị chuột tàn phá.
Lý giải về điều này, bà con chia sẻ, vào tháng 10 âm lịch hàng năm (sau khi thu hoạch vụ mùa), người dân trong huyện, đặc biệt người dân xã Kiến Quốc thường hay ra cánh đồng bắt chuột về ă nên chuột bị tiêu diệt sạch. Do đó, đến vụ Chiêm (từ tháng chạp đến tháng 5) năm sau, ruộng đồng không bị chuột phá phách nên năng suất lúa cao.
Chính quyền loay hoay tìm cách xử lý!
Một lãnh đạo xã Hữu Bằng cho biết, cánh đồng thôn Kim Đới có diện tích khoảng hơn 150ha, vụ mùa này gần như mất trắng. Trước năm 2012, HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình cũ, người dân được HTX cấp thuốc diệt và tổ chức diệt nên số lượng chuột ít. Từ khi HTX chuyển sang mô hình mới (sau năm 2012), bà con không thuê HTX làm những công việc như trước nên số lượng chuột ngày một tăng, dẫn đến năng suất lúa vụ Mùa bị giảm.
Cánh đồng bị chuột tàn phá trơ trụi
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: Việc chuột phá phách mùa màng của người dân xảy ra khắp nơi trên địa bàn huyện.
Ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc diệt chuột tại các cánh đồng thuộc xã Hữu Bằng, tuy nhiên sắp đến mùa thu hoạch thì tình hình đã “vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.
Ông Thảo cho biết thêm, hiện nay việc chi ngân sách cho diệt chuột ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách. Hàng năm, huyện được thành phố cấp khoảng 170 kg thuốc diệt chuột là rất ít, số thuốc này được chia đều cho các xã. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chuột bùng phát, phá hoại mùa màng.
Do vậy, UBND huyện kiến nghị thành phố hàng năm cấp tăng thuốc diệt để huyện phân bố về các địa phương, nhằm chủ động hơn trong việc diệt chuột.
Đề nghị TP. Hải Phòng có biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân nơi đây.
Infonet