MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Phòng tăng phí cảng biển, doanh nghiệp “kêu cứu” Thủ tướng

Mức phí cảng biển tại cảng Hải Phòng tăng mạnh từ năm 2013 đến nay...

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Nghị quyết 148 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Theo tờ trình này, đầu năm 2017, đại diện Diễn đàn Kinh tế tư phân là ông Trần Anh Vương đã nhận được ý kiến phản đối đồng loạt từ các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước có hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ kho vận, logistisc, cảng biển, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan đến xuất nhập khẩu về Nghị quyết số 148 ban hành cuối tháng 12/2016 của của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Nghị quyết 148 đã quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng các công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Tờ trình cho biết, sau khi nghiên cứu, Diễn đàn Kinh tế tư nhân nhận thấy có nhiều “điểm bất ổn” trong Nghị quyết 148.

Thứ nhất, có hiện tượng phí chồng phí, làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, vì họ đã phải chịu các phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY Monitor, phí Sealcharge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng container…

Thứ hai, mức phí trong Nghị quyết 148 là “quá cao” và không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để “cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí” theo quy định tại điều 8, Luật Phí và lệ phí năm 2015, cũng như các quy định về phí của các bên tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Theo Nghị quyết 148, Hải Phòng không làm rõ các thành phần kết cấu phí, không lý giải được mức thu so với chi phí cần bù đắp. Tổng thu năm 2017 từ phí mới trên được Hải Phòng dự tính lên 1.500 tỷ đồng là quá cao, bất hợp lý, có dấu hiệu lạm thu trái với quy định của pháp luật”, tờ trình nêu.

Thứ ba, theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, có hiện tượng phân biệt đối xử giữa hàng hoá thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hoá chuyển cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan… Vì tại Nghị quyết 148, mức thu phí với hàng hoá xuất nhập khẩu là 250.000 đồng/1 container 20 feet, 500.000 đồng/1 container 40 feet, nhưng hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cảnh, quá cảnh với hàng khô phải nộp 2,2 triệu đồng/container 20 feet, 4,4 triệu đồng/container 40 feet, loại hàng lạnh là 2,3 triệu đồng/container 20 feet…

Quy định này, theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, sẽ tạo nên gánh nặng cho các doanh nghiệp vì phải nộp phí liên quan tới xuất nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau, có dấu hiệu tận thu, vi phạm cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và nhiều FTA Việt Nam đã ký kết.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, họ không được lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, và chỉ biết khi Hải Phòng có thông báo chính thức vào cuối năm 2016, trong khi nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017, khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không kịp thời gian để tính toán phương án kinh doanh hoặc đàm phán lại các hợp đồng kinh doanh đã ký kết cho năm 2017.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng rất mạnh mẽ với quy định này, giảm niềm tin với cách thức ban hành mang tính áp đặt, bất ngờ của Hải Phòng. Quy định của Hải Phòng sẽ mở đầu cho hàng loạt các địa phương khác ban hành các phí tương tự theo chủ trương tăng thu bù chi, làm sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đi ngược lại quan điểm Chính phủ kiến tạo và những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua", văn bản nêu.

Do đó, Diễn đàn Kinh tế tư nhân và Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị Thủ tướng xem xét nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Thuế phí tại cảng Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2017:

Theo Bạch Dương

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên