Hải Phòng tổ chức tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả Châu Phi
Ngày 24.2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Thuỷ Nguyên và xã Chính Mỹ tổ chức tiêu huỷ đàn lợn mắc dịch tả Châu Phi.
- 21-02-2019Người dân mang hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả châu Phi đi tiêu hủy
- 21-02-2019Dịch tả lợn có lây sang người?
- 20-02-2019Thủ tướng chỉ đạo cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi
Trước đó, trưa 22.2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi hộ ông Vũ Văn Đạt tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên - nơi có đàn lợn có dấu hiệu dịch tả châu Phi.
Theo xác minh, từ ngày 18.2, đàn lợn của nhà ông Vũ Văn Đạt tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, nôn mửa, sau đó 8 con chết. Đến 22.2, toàn bộ đàn lợn nhà ông Đạt đã có 18 con chết. Toàn bộ số lợn chết bệnh này được gia đình ông Đạt tự chôn lấp.
Thời điểm đoàn kiểm tra đàn có mặt, đàn lợn nhà ông Đạt còn 35 con có triệu chứng giảm ăn, sốt. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy 5 mẫu gửi xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi. Kết quả, có 2 mẫu dương tính virus dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp đó, trưa 23.2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng tiếp tục lấy 13 mẫu của 5 hộ chăn nuôi quanh khu vực ổ dịch xét nghiệm, kết quả một mẫu của hộ bà Nguyễn Thị Ngấn dương tính dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại xã Chính Mỹ Huyện Thủy Nguyên. Ảnh: CTV
Ông Phạm Văn Lập – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng - cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng phải tổ chức tiêu hủy ngay số lợn bị nhiễm dịch tả Châu Phi. Hiện tại, Hải Phòng mới chỉ phát hiện dịch tại địa bàn xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên với 38 con đã bị tiêu hủy. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực có dịch và những hộ chăn nuôi lân cận.
Ngoài ra, lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho vận chuyển lợn khu vực dịch ra bên ngoài và lợn nơi khác về khu vực có dịch, lấy mẫu xét nghiệm vài chục hộ xung quanh để giám sát dịch bệnh. “Lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi trong vùng cam kết không được vận chuyển lợn ra ngoài, đồng thời thành lập 2 chốt kiểm soát không cho vận chuyển lợn ra vào vùng dịch” – ông Lập nói.
Theo thống kê, số lợn có nguy cơ cao trong vùng dịch là hơn 1.800 con, vùng bị uy hiếp là hơn 3.700 con, vùng đệm là hơn 16.000 con.
Lao Động