Hải quan sẽ kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm
Kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm.
Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
- 06-02-2021Cá tầm "mắc cạn" vì hàng nhập lậu
- 27-01-20218/11 mẫu cá tầm bán tại Hà Nội và TPHCM nhập lậu từ Trung Quốc?
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện các nội dung đảm bảo công tác quản lý.
Cụ thể, về chính sách quản lý, cá tầm nhập khẩu phải có giấy phép CITES gồm cá tầm Đại Tây dương và cá tầm Ban tích thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại; các loài cá tầm (trừ các loài quy định tại Phụ lục I) thuộc Phụ lục II của Công ước CITES.
Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam, gồm cá tầm Beluga, cá tầm Nga, cá tầm Sterlet, cá tầm Trung Hoa, cá tầm Xiberi. Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Cá tầm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu. Cá tầm dùng làm thực phẩm cũng thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, cá tầm bị cấm nhập khẩu khi không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm; cá tầm Đại Tây dương, cá tầm Ban tích thuộc Phụ lục I Công ước CITES nhập khẩu vì mục đích thương mại và không phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm; cá tầm không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Thời đại