Hai tên lửa "xóa sổ” trùm khủng bố khét tiếng al-Qaeda: Tình báo Mỹ xuất sắc như thế nào?
Khi các tên lửa Hellfire được phóng đi từ máy bay không người lái, người điều khiển chúng thậm chí có thể ngồi ngay trong phòng máy lạnh ở tận nước Mỹ lục địa.
- 15-09-2021CNN: Đặt cược vào "giấc mơ Mỹ", người đàn ông Afghanistan cùng 9 thành viên gia đình bỏ mạng bởi chiến dịch trả đũa khủng bố của Chính quyền Biden
- 13-09-2021Thủ lĩnh bị đồn đã chết của al-Qaeda bất ngờ lên tiếng đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9
- 13-09-2021WSJ: Phố Wall đang đối mặt với những mối đe dọa khủng bố có thể tồi tệ hơn vụ 11/9
Khi ánh nắng Mặt Trời vừa hé rọi vào sáng sớm ngày 31/7, trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bước ra ban công một ngôi nhà trú ẩn an toàn ở trung tâm thành phố Kabul của Afghanistan để cầu nguyện như thường lệ.
Là một chiến binh thánh chiến kỳ cựu người Ai Cập, al-Zawahiri luôn ưa thích cầu nguyện vào sáng sớm nhưng hắn không hề biết rằng đó lại là buổi cầu nguyện cuối cùng của hắn.
Vào đúng 06:18 sáng (giờ địa phương), hai quả tên lửa từ trên không bất ngờ lao xuống ban công, kết liễu số phận trùm khủng bố khét tiếng 71 tuổi. Vợ và con gái hắn không hề bị thương tích gì, dù sống trong cùng tòa nhà.
Làm thế nào để một vụ tấn công có thể diễn ra chính xác đến như vậy? Trong quá khứ, Mỹ từng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì các cuộc không kích khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Chân dung Ayman al-Zawahiri. Ảnh: AP
Buổi cầu nguyện cuối cùng kết thúc bằng 2 quả tên lửa
Loại tên lửa được Mỹ sử dụng giữ vai trò then chốt. Đó là Hellfire – tên lửa không đối đất phóng đi từ máy bay không người lái, loại vũ khí đã trở thành “vật quốc bảo” trong các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở nước ngoài nhiều thập kỷ gần đây kể từ sau sự kiện 11/9/2001.
Tên lửa này có thể được bắn từ nhiều nền tảng khác nhau, gồm cả trực thăng, các phương tiện mặt đất, tàu chiến và máy bay cánh cố định, hoặc trong trường hợp của Zawahiri là từ một máy bay không người lái.
Mỹ được cho là đã sử dụng Hellfire (Lửa địa ngục) để hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad vào đầu năm 2020 cũng như tiêu diệt Jihadi John - chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gốc Anh ở Syria vào năm 2015.
Trong số những lý do khiến Mỹ lựa chọn sử dụng Hellfire nhiều lần là độ chính xác của nó.
Khi các tên lửa Hellfire được phóng đi từ máy bay không người lái, người điều khiển chúng thậm chí có thể ngồi ngay trong phòng máy lạnh ở tận nước Mỹ lục địa. Họ hoàn toàn có thể qua sát trực tiếp tên lửa diệt mục tiêu qua video được các cảm biến của máy bay không người lái quay lại thông qua vệ tinh.
Sử dụng một bộ khuôn ngắm trên màn hình, người điều khiển có thể “khóa” mục tiêu và hướng tia laser vào nó. Khi tên lửa được phóng đi, nó sẽ bay theo đường đi của tia laser đó cho đến khi tấn công mục tiêu.
Tên lửa Hellfire được đưa lên UAV MQ-1C Grey Eagle tại Taji, Iraq vào ngày 27 tháng 2 năm 2011. Ảnh: AP
Luôn có các quy trình rõ ràng, tuần tự mà kíp điều khiển máy bay không người lái phải tuân theo trước khi hành động nhằm giảm thiểu nguy cơ thương vong cho dân thường.
Trong các cuộc tấn công của Quân đội Mỹ hoặc Cục tình báo trung ương (CIA) trước đây, họ luôn phải tham vấn các luật sư quân sự trước khi lệnh khai hỏa được đưa ra.
Giáo sư William Banks, một chuyên gia về các vụ ám sát có chủ đích và là người sáng lập Viện Chính sách An ninh và Luật pháp của Đại học Syracuse nói rằng, các quan chức Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữ nguy cơ gây tử vong cho dân thường với giá trị của mục tiêu.
Ông Banks cho biết, vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Zawahiri có vẻ giống như một ứng dụng của mô hình tiêu chuẩn này.
“Dường như họ đã rất cẩn thận và cân nhắc trong trường hợp này để định vị hắn ta và vào thời điểm mà họ có thể chỉ tiêu diệt hắn mà không gây hại tới bất kỳ người nào khác", giáo sư Banks bình luận.
Nhiều thông tin cho thấy, Mỹ đã sử dụng phiên bản còn tương đối ít được biết đến của tên lửa Hellfire, đó là AGM-114R9X, loại không mang theo thuốc nổ thông thường mà là một đầu đạn gồm 6 lưỡi dao cán thép sắc nhọn.
Ảnh đồ họa tên lửa AGM-114R9X
Theo cơ chế hoạt động, vài giây trước khi va chạm mục tiêu, 6 lưỡi dao này sẽ được phóng ra khỏi lớp vỏ đầu đạn và có thể chém phăng mọi vật thể trên đường bay. Đây là lý do tại sao AGM-114R9X được gọi với biệt danh là "Dao Ginsu bay" hay "Bom Ninja".
Mục đích chính khiến Mỹ đi đến ý tưởng chế tạo loại tên lửa đặc biệt này là nhằm giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường hay những tổn thất không mong muốn xung quanh vị trí mục tiêu bị tấn công.
Năm 2017, một thủ lĩnh khác của al-Qaeda, đồng thời cũng là một trong những cấp phó của Zawahiri, Abu Khayr al-Masri, được cho là đã bị giết chết bằng tên lửa Hellfire R9X ở Syria.
Các bức ảnh chụp chiếc xe của Abu Khayr al-Masri sau vụ tấn công cho thấy tên lửa đã khoét một lỗ trên nóc xe và “băm nhỏ” những người ngồi trong xe, nhưng không có dấu hiệu nổ hoặc bất kỳ sự phá hủy nào đối với chiếc xe.
Tình báo Mỹ đã theo dõi trùm khủng bố Zawahiri như thế nào?
Chi tiết về những thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được trước khi tiến hành cuộc tấn công hạ sát Zawahiri ở Kabul vẫn đang dần hé lộ.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ tấn công, các quan chức Mỹ cho biết họ có đủ thông tin để hiểu về "lối sống thường nhật" của Zawahiri tại ngôi nhà trú ẩn, chẳng hạn như thói quen ra ban công của hắn.
Điều này cho thấy các điệp viên Mỹ đã theo dõi ngôi nhà trong nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng.
Marc Polymeropoulos, một cựu quan chức cấp cao của CIA, nói với BBC rằng có khả năng nhiều phương pháp thu thập thông tin tình báo đã được sử dụng trước cuộc tấn công, gồm cả sử dụng điệp viên và tình báo tín hiệu.
Thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, kẻ đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của CIA ở Afghanistan vào cuối tuần qua, xuất hiện trong một tấm áp phích truy nã của FBI. Ảnh: FBI
Một số người cũng suy đoán rằng máy bay không người lái hoặc máy bay do thám của Mỹ đã thay phiên nhau theo dõi vị trí của Zawahiri trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng nhưng phía dưới lại không nghe thấy và không nhìn thấy.
Polymeropoulos nói thêm, cuộc tấn công tiêu diệt Zawahiri được hưởng lợi từ kinh nghiệm hàng thập kỷ của cộng đồng tình báo Mỹ trong việc theo dõi từng nhân vật al-Qaeda chủ chốt cũng như các mục tiêu khủng bố khác.
“Chúng tôi đã rất xuất sắc trong vấn đề này. Đó là điều mà chính phủ Mỹ đã làm rất tốt trong hơn 20 năm qua”, Polymeropoulos nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các hoạt động kiểu này không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch.
Ngày 29/8/2021, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một chiếc xe hơi ở phía bắc sân bay Kabul để tiêu diệt một chi nhánh địa phương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã giết chết 10 thường dân vô tội. Lầu Năm Góc sau đó phải thừa nhận đây là một sai lầm bi thảm.
Bill Roggio, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, người đã theo dõi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ trong nhiều năm, nói rằng cuộc tấn công hạ sát Zawahiri có khả năng khó khăn hơn nhiều so với các vụ việc trước đây, bởi lần này không có bất kỳ sự hiện diện nào của nhân viên chính phủ Mỹ hoặc các phương tiện ở lân cận.
Chẳng hạn, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trước đây nhằm vào Pakistan được thực hiện từ Afghanistan hay các cuộc không kích vào Syria sẽ được thực hiện từ lãnh thổ Iraq.
“Tại những nơi này, Mỹ dễ dàng tiếp cận khu vực mục tiêu hơn rất nhiều vì Mỹ có các phương tiện trên mặt đất”, Bill Roggio kết luận.
Trí thức trẻ