MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai thái cực nhà ở cho công nhân

26-04-2022 - 15:02 PM | Bất động sản

Đi làm hơn 20 năm không thể mua nhà ở thành phố - không chỉ là khủng hoảng đơn thuần của một lớp người, mà còn là thất bại về mặt chính sách khởi tạo môi trường sinh tồn.

Vợ chồng anh T, chị L là những người thuộc thế hệ công nhân đầu tiên khi nhà máy Puoyen của Đài Loan - một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới về lĩnh vực da giày đến làm ăn tại Bình Tân - TPHCM .

Chị L đã là sếp, quản lý một dây chuyền, anh T tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất, có nhiều năm kinh nghiệm về thiết kế khuôn mẫu. Hai người tá túc trong ngôi nhà trọ cao tầng kiểu “tổ ong” sát khu công nghiệp - một không gian sinh hoạt bé xíu; ăn, ngủ, tắm giặt chỉ cách nhau mỗi bước chân.

Mỗi lần bạn bè đến chơi, anh mượn tạm không gian “chuồng cọp”, chỗ để phơi phóng áo quần của hàng chục con người làm nơi tiếp khách, tôi cũng khá nhiều lần nghêu ngao đàn hát dưới đống “mực khô” quăn qoeo trên đầu.

Dù khao khát lắm nhưng họ không thể sở hữu một chỗ ở cho thoải mái hơn. Một phần quận Bình Tân trước đây là vùng sình lầy trồng rau muống, cỏ dại um tùm nhưng từ khi KCN Bà Hom lập ra chỉ có người khá giả mới mua được đất, cũng như những nơi khác, giá đất ăn theo hạ tầng.

Ngày đó, mỗi sào rau muống ở Bình Tân trị giá vài cây vàng nhưng không ai mua, nếu mua cũng khó ở vì quá xa trung tâm, đến khi rục rịch phát triển thì đất đã “sốt” từ trên giấy. Hàng chục nghìn công nhân hiện nay chỉ là người đến sau, lương tháng 7 - 10 triệu đồng xem ra khó động vào căn chung cư bình dân dưới 2 tỷ chứ đừng nói nhà mặt đất mét ngang tiền tỷ.

Anh T quyết định chuyển về quê sinh sống từ đầu năm nay, hơn 20 năm bôn ba Sài Gòn coi như tay trắng lại về không. Vợ anh đang cố gắng thêm vài năm cho đủ thời gian đóng bảo hiểm để về già có chút lương hàng tháng.

Họ - là điển hình trong hàng triệu lượt lao động trẻ đóng góp gần hết tuổi thanh xuân cho sự phát triển của thành phố; là chi tiết không thể thiếu trong cỗ máy kinh tế mà tổng thu nhập quốc dân do khối ngoại đóng góp tới 2/3!

Đi làm hơn 20 năm không thể mua nhà ở thành phố - không chỉ là khủng hoảng đơn thuần của một lớp người, mà còn là thất bại về mặt chính sách khởi tạo môi trường sinh tồn. Khả năng chống chịu áp lực cuộc sống tỷ lệ nghịch với tuổi tác, sức khỏe, khả năng lao động. Thất nghiệp ở tuổi 40 - 45 sẽ là gánh nặng dai dẳng một đời người.

Hai thái cực nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.

TPHCM vừa khởi công 1.300 căn nhà ở xã hội, số lượng quá ít so với nhu cầu

Đất đai số lượng lớn rơi vào tay thiểu số, họ giàu lên từ đó, nhà ở xã hội là phân khúc kinh doanh không có gì hấp dẫn, trái lại hàng tá khu đô thị siêu sang mọc lên phục vụ cho người giàu. Nguồn lực ấy ở đâu ra nếu không phải là năng suất lao động của từng cá thể người?

N và P là đôi vợ chồng trẻ từ miền Trung vào Sài Gòn làm công nhân, hai bạn quen nhau từ ca kíp. Cuối năm ngoái gia đình nhỏ này chính thức thoát cảnh ở trọ, dọn về ngôi nhà liền kề 2 tầng nhỏ nhắn, mới cáu cạnh ở vùng ven thành phố Dĩ An - Bình Dương.

Ngôi nhà trị giá hơn 1,6 tỷ đồng, vốn tự có 600 triệu, còn lại là nguồn vay thế chấp ngân hàng 2 sổ đỏ của hai gia đình nội ngoại! Niềm vui có nhà chỉ thoáng qua chốc lát, kể từ đây đôi vợ chồng chưa đầy 30 tuổi phải cày sấp mặt để trả nợ ngân hàng.

Với tổng thu nhập trung bình khoảng 20 triệu mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, tới 50 tuổi họa may hết nợ! Kiếm một chỗ an cư nơi đất khách coi như hết đời người, cuộc sống trói buộc đúng nghĩa, hầu như không nhìn thấy cơ hội hưởng thụ, yêu thương bản thân, tái tạo sức lao động.

Tái phân phối của cải xã hội đang gặp vấn đề mang tính hệ thống, có người kiếm được vài căn nhà như thế chỉ sau một đêm thức dậy, đó là những cú nổ có chủ đích của bong bóng tài sản.

Việt Nam đang bùng nổ tích tụ đất đai, nhưng không phải để thay đổi ngành nông nghiệp, một phần nhỏ phục vụ phát triển công nghiệp, phần lớn rơi vào tay nhà đầu cơ và buôn bán nhỏ lẻ.

Có thể gọi là lớp “tư bản thổ địa”, vận hành trên cơ sở giá trị thặng dư, làm mọi cách để đạt được giá trị dôi ra càng nhiều càng tốt, một trong những chiêu thức quen thuộc là “thổi giá”, gây “sốt ảo”.

Thị trường nhà đất méo mó ở chỗ, giá trị quá cao so với giá trị sử dụng, trong khi công cụ “cầm cương” của nhà nước không đủ mạnh để điều tiết thị trường. Đây là điều mà mọi lái buôn đều hướng đến.

Sự mất cân đối giữa giá trị và giá cả ngay lập tức tác động đến giới bình dân, thu nhập thấp, túi tiền rất mẫn cảm. Chẳng những hàng hóa đất đai mà tất cả mọi thứ - khi bị thao túng đều diễn ra tương tự.


Theo Trương Khắc Trà

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên