Hai thứ tài sản đặc biệt quan trọng doanh nghiệp BĐS cần bảo vệ trong đại dịch Covid-19
Không chủ quan nhưng cũng không hoang mang với Covid-19. Các doanh nghiệp BĐS cần có giải pháp và hành động ngay.
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Covid-19 đã tạo ra những thách thức lớn với ngành bất động sản trong nước, làm sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc. Vậy trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp BĐS cần làm gì? Chúng tôi xin trích dẫn bài viết của ông Lê Xuân Nga - Phó chủ tịch Công ty BHS Group:
"Tôi cho rằng có hai thứ tài sản cần bảo vệ nhất của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, đó là Con người và Tài chính.
Về sức khỏe con người có 5 việc các doanh nghiệp bất động sản cần làm ngay.
Thứ nhất, lập ngay 1 ban phòng & chống dịch, ban này có trách nhiệm đưa ra các giải pháp phòng dịch và giám sát các thành viên công ty tham gia.
Thư hai, khoanh vùng nhân sự, quan tâm xem nhân sự ở đâu, khu vực nào, có gần với các ca nhiễm, mức độ nguy cơ nhiễm...có cần thiết phải cách ly ở nhà hay không. Hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS chưa thực sự làm tốt việc này. Chính vì thế, lãnh đạo cũng không thể biết hết nhân sự công ty đang sống ở đâu nếu không có ban phòng dịch theo dõi và báo cáo.
Thứ ba, yêu cầu 100% các nhân viên tới công ty phải đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc, trước khi vào công ty phải sát khuẩn tay, không tập trung ăn tập thể, mỗi người 1 suất ăn riêng mang đi từ nhà.
Thứ tư, các thành viên đi ra khỏi khu vực cư trú (ngoài giờ làm việc tại công ty) phải khai báo với ban phòng dịch, được đồng ý mới có thể đi. Theo lịch khai báo để nếu khu vực mà nhân viên tới hôm sau có dịch thì cách li nhân viên đó luôn nếu cần thiết.
Thứ năm, làm nghiêm ngặt quy tắc vậy, đặc biệt trong 2 tuần tới, vì hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Về sức khoẻ tài chính:
Thứ nhất, lãnh đạo phải là người tính toán ngân sách chi tiêu để công ty mình có thể tồn tại ít nhất 1 năm nữa (dự kiến hết dịch hoặc khống chế được) trong điều kiện không có doanh thu, vì sắp tới sẽ nhiều khó khăn và biến động
Thư hai, tiết kiệm các khoản chi tiêu không cần thiết để tồn tại qua mùa dịch, thực hiện chiến thuật "nhân sự đa năng" một người làm nhiều việc để tối đa hoá năng suất lao động (nếu có cơ hội để lao động) vì nhiều doanh nghiệp còn không có việc để làm.
Thứ ba, tập trung "làm ít, làm chất, làm lớn" để đảm bảo nguồn doanh thu tương lai cho doanh nghiệp, tránh tâm lí nghỉ ngơi ngại dịch.
Cứ mỗi cuộc khủng hoảng, rất nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nhưng cũng không ít doanh nghiệp đi lên từ khủng hoảng. Vì vậy, tôi cho rằng không chủ quan nhưng cũng không hoang mang với Covid-19. Cần có giải pháp và hành động!