Hải Tiến có gì khiến Thanh Hóa phải quy hoạch thành trung tâm nghỉ dưỡng?
Hải Tiến vừa được UBND Thanh Hóa quy hoạch thành trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng trọng điểm của khu vực, sánh ngang với Sầm Sơn.
Hải Tiến là trung tâm du lịch của Thanh Hóa, sánh ngang Sầm Sơn
Hải Tiến sở hữu đường bờ biển dài 12km. Đây là bãi biển dài nhất miền Bắc nước ta, nằm cách thủ đô Hà Nội 165km và cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chỉ 20km, cách Sầm Sơn 15 km. Xét về khoảng cách, Hải Tiến gần Hà Nội hơn so với Sầm Sơn.
Để tạo kết nối với TP. Sầm Sơn hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 5241/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đến năm 2030.
Về tính chất, chức năng, Hải Tiến sẽ là đô thị loại V, một trong những trọng điểm du lịch biển tỉnh Thanh Hóa với các loại hình du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và là trung tâm dịch vụ thương mại. Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ các xã Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường và một phần các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Phong. Tổng diện tích quy hoạch đô thị là 2.600ha, quy mô dân số hiện trạng khoảng 27.989 người, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 60.000 người.
Đô thị Hải Tiến chia làm 4 phân khu chức năng gồm: khu A - khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ven núi, du lịch cộng đồng và cảng tổng hợp Hoằng Trường (616ha); khu B - khu trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển (392ha); khu C - khu dân cư trung tâm đô thị (642ha); khu D - quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Nam Hải Tiến (942ha). Theo quy hoạch này, Hải Tiến dự kiến năm 2021 đón 2 triệu lượt du khách mỗi năm. Đến năm 2025 đón 5 triệu lượt du khách, sánh ngang với Sầm Sơn, trở thành trục du lịch lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Để biến Hải Tiến thành trung tâm du lịch sánh ngang với Sầm Sơn, hàng loạt siêu dự án của các đại gia địa ốc lớn nhất của Việt Nam như: Flamingo, T&T, FLC, Sunshine… sẽ được đồng loạt triển khai tại Hải Tiến trong 2 năm tới. Tổng mức đầu tư các dự án này tới 4 tỷ USD, với quy mô gần 4.000 ha.
Vẻ đẹp hoang sơ – con át chủ bài giúp Hải Tiến vượt mặt Sầm Sơn trong vài năm tới
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, ở thời điểm hiện tại, Sầm Sơn đang chứng kiến tốc độ bê tông hóa nhanh chóng. Trong khi đó, Hải Tiến còn sở hữu bờ biển tuyệt đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, hấp dẫn du khách. Vì vậy, UBND Thanh Hóa đã quy hoạch Hải Tiến trở thành thiên đường du lịch trọng điểm của Thanh Hóa.
Khác với vẻ nhộn nhịp của Sầm Sơn, biển Hải Tiến là một vùng đất mới chưa được khám phá. Sự bình dị của vùng biển này chưa bị sự xô bồ của các dịch vụ du lịch tác động vào có lẽ chính là điểm thu hút của Hải Tiến. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, Hải Tiến còn có đường bờ biển dài 12 km, tính đến thời điểm hiện tại, đây là bãi biển dài nhất của miền Bắc.
Các bãi biển thuộc khu vực Hải Tiến vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ
Bên cạnh đó, dọc theo bãi biển Hải Tiến Thanh Hóa là hàng chục địa danh du lịch nổi tiếng như: Chùa Bụt, chùa Hồi Long, đền thờ Đại Vương Lê Trung Giang, đền thờ Trạng Quỳnh, khu du lịch sinh thái Pù Luông, Vườn quốc gia Bến En, Động Từ Thức, Động Tiên Sơn Hàm Rồng… Các điểm du lịch này thu hút gần 1 triệu lượt du khách mỗi năm.
Theo ông Hữu Việt – Phó giám đốc công ty Hữu Nghị - Một trong những công ty du lịch lớn nhất Thanh Hóa: Sau dịch Covid-19, khách du lịch sẽ ưa thích khám phá những vùng đất còn hoang sơ chưa bị bê tông hóa. Vì vậy, sau dịch Covid-19, thị trường du lịch Thanh Hóa sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của các vùng đất Hải Tiến, Pù Luông. Các thị trường này mang vẻ đẹp nguyên sơ, sở hữu nhiều di tích lịch sử, được kỳ vọng sẽ vượt mặt Sầm Sơn trong 5 năm tới để đón hàng triệu du khách mỗi năm.
Mặt khác, xét về mặt địa lý, khách du lịch của Thanh Hóa chủ yếu đến từ Hà Nội. Nếu xét về khoảng cách giữa Sầm Sơn và Hải Tiến, biển Hải Tiến sẽ gần Hà Nội hơn cả Sầm Sơn. Khi tuyến cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa hoàn thành, chỉ cần 1.5 giờ khách Hà Nội sẽ tiếp cận dễ dàng với Hải Tiến.
TS Trần Nguyễn Minh Hải cho biết: Sau dịch, xu hướng di chuyển sẽ thay đổi, di chuyển bằng các phương tiện công cộng sẽ bị hạn chế, di chuyển bằng phương tiện cá nhân sẽ được tăng cường. Sự thay đổi về xu hướng di chuyển sẽ dẫn đến sự thay đổi của xu hướng đầu tư. Các thị trường cách quá xa Hà Nội như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc sẽ mất dần sức hấp dẫn. Các thị trường có thể dễ dàng di chuyển bằng xe hơi trong phạm vi 2 tiếng từ Hà Nội sẽ lên ngôi.