MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hải trình" IPO không dễ dàng của Vinalines

Tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu Vinalines luôn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngày 5/9, Vinalines sẽ IPO với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần cùng hơn 488 triệu cổ phần.

Từ nguy cơ phá sản cận kề...

Năm 2014, thực trạng tài chính của Vinalines được nhận định là yếu kém. Cụ thể: lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Vinalines âm hơn 3.478 tỉ đồng, 19 đơn vị lỗ hơn 4.332 tỉ đồng, lỗ lũy kế của Vinalines qua đó được phía Kiểm toán Nhà nước tính toán là 24.180.732 triệu đồng.

Trước tình hình đó, vào tháng 12/2014, Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm ngày 31/12/2013 với giá trị thực tế là 21.287,2 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.

Mặc dù đã được tái cơ cấu, song tình hình sản xuất kinh doanh của Vinalines vẫn chật vật khó khăn. Năm 2015 có vẻ là một năm "ảm đạm" hơn với Vinalines khi mà ông lớn này còn liên tục bị khui hàng loạt những sai phạm - là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn hoặc tồn tại nhiều rủi ro tài chính...

Vinalines vượt qua sóng lớn

Cổ phần hóa vẫn luôn là một bài toán, và với Vinalines bài toán này thực sự rất khó, tuy nhiên thực tế Vinalines đã khá tích cực trong việc tái cơ cấu lại hoạt động của mình trong suốt thời gian qua.

Ghi nhận của Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải cho thấy, tính đến ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 6.423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau nhiều năm chìm đắm trong thua lỗ, kết quả kinh doanh của ông lớn trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng biển đã có bước phục hồi, từ lỗ 8.045 tỷ đồng vào năm 2012, đã dần cân bằng và có lãi (năm 2016 lãi 33 tỷ đồng); lỗ lũy kế giảm 78% từ 23.032 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 5.040 tỷ đồng năm 2016.

Nhiều nút thắt trong tái cơ cấu tài chính đã được tháo gỡ, nhiều khoản nợ của Vinalines đã được xử lý, có thể nói, Vinalines đã thoát khỏi bờ vực phá sản. Tuy nhiên con đường cổ phần hóa của "ông lớn’’ này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ GTVT, thực tế tiến trình cổ phần hóa Vinalines được khởi động từ năm 2014; tính đến hết năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, đặc biệt đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hầu hết các doanh nghiệp ngoài ngành) thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong năm vừa qua đó chính là việc Vinalines đã cơ cấu được các khoản nợ khi "ông lớn" này đã xử lý được khoảng 6.598,2 tỷ đồng bao gồm 1.002,7 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và giảm 5.595,48 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913,25 tỷ đồng, lãi giảm 1.682,23 tỷ đồng). Tính chung tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng nợ.

Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng nợ. Dư nợ toàn Tổng công ty tính đến thời điểm 31/12/2017 là 14.743,16 tỷ đồng (nợ gốc 11.375 tỷ đồng, nợ lãi 3.368 tỷ đồng), dư nợ còn lại tại Công ty mẹ bằng 23% so với thời điểm tái cơ cấu.

Với nhiều giải pháp trọng tâm và trên cơ sở kết nối cốt lõi "kiềng 3 chân" là vận tải biển-cảng biển-logistics, Vinalines đã vẽ lại bức tranh lỗ, lãi. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinalines đã có nhiều bước chuyển biến khi doanh thu hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng (đạt 114,8 % so với kế hoạch); lợi nhuận đạt 515 tỷ đồng. Tổng sản lượng vận tải cho đội tàu quốc gia chuyên chở năm 2017 đạt 130,9 triệu tấn; sản lượng vận chuyển do đội tàu Vinalines chuyên chở chiếm gần 20,2% tổng sản lượng vận tải của đội tàu quốc gia.

Nỗ lực hồi sinh và triển vọng

Cho đến năm nay, ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Theo phương án được thông qua, hình thức cổ phần hóa Vinalines kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Sau khi cổ phần hóa, Vinalines sẽ có vốn điều lệ hơn 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn Nhà nước hơn 11.946 tỷ. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2%.

Vinalines hiện đang khai thác và vận hành 14 cảng biển với 72 cầu cảng tại Việt Nam, chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến cả nước.

Giữ mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Đây sẽ là những "mỏ vàng" mà nhà đầu tư nhắm tới thông qua sở hữu cổ phần của Công ty mẹ. Mặt khác, với lợi thế là "ông lớn" hàng hải có đủ ba mũi nhọn dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, Vinalines sẽ đẩy mạnh dịch vụ logistics trọn gói để phát huy lợi thế độc nhất đó.

Vinalines dự kiến, đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu container và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á.

Thế nhưng, ngay cả khi được "hồi sinh" và các triển vọng sáng sủa hơn nhiều so với trước đây, kết quả IPO và ngày 5/9 vẫn rất khó đoán, với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, với việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cho tới thời điểm kết thúc nhận hồ sơ thì chỉ có 1 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc. Và đại diện của Vinalines chia sẻ: "Vinalines không cố chọn nhà đầu tư chiến lược bằng mọi giá. Chúng tôi muốn có nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, sẵn lòng cùng đồng hành với Tổng công ty trong thời gian dài".

Nguyễn Thu Thuỷ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên