MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai trường hợp được tăng lương hưu từ ngày 1/7

Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, từ ngày 1/7 sẽ có hai trường hợp được tăng lương hưu.

Theo Nghị quyết số 104/2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, từ ngày 1/7, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đồng thời, theo nghị quyết, sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Vì thực hiện đồng thời cải cách tiền lương và tăng lương hưu từ ngày 1/7 nên sẽ có hai trường hợp tăng lương hưu sau cải cách tiền lương.

Hai trường hợp được tăng lương hưu từ ngày 1/7- Ảnh 1.

Người dân nhận chi trả lương hưu.

Trường hợp 1 là những người được tăng lương hưu theo quy định cụ thể.

Thông thường, khi có văn bản chính thức về việc điều chỉnh tiền lương hưu, nội dung văn bản sẽ quy định rõ về đối tượng được điều chỉnh. Ví dụ như đợt tăng lương hưu vào tháng 7/2023 theo Nghị định 42/2023 của Chính phủ, các đối tượng được tăng lương hưu được xác định cụ thể tại Điều 2 Nghị định 42/2023 của Chính phủ.

Như vậy, trong quy định về điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7, những người thuộc nhóm đối tượng điều chỉnh sẽ được tăng lương hưu.

Trường hợp 2 là những người được tăng lương khi cải cách tiền lương.

Theo Nghị quyết 27, việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện trên tinh thần không làm giảm lương. Đồng thời, xét trường hợp lương tối thiểu vùng được tăng từ ngày 1/7, khi cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các đối tượng này cũng sẽ tăng.

Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tỷ lệ hưởng lương hưu, nên nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tăng thì mức lương hưu cũng sẽ tăng.

Xét trong trường hợp cải cách tiền lương năm 2024 làm tăng lương, để được tăng lương hưu theo đợt cải cách tiền lương, người tham gia bảo hiểm xã hội cần đáp ứng các điều kiện: đủ điều kiện hưởng lương hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.

Trước năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi, lao động nữ là 55 tuổi. Tuy nhiên, từ năm 2021, Nghị định 135/2020 của Chính phủ về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực và tuổi nghỉ hưu tăng dần.

Theo Điều 4 Nghị định 135 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm, tuổi nghỉ hưu lại tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu trong năm 2023 của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là 56 tuổi.

Như vậy, bước sang năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.

Theo Anh Văn/ VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên