MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai tuyến đường sắt nối Việt Nam-Trung Quốc dài hàng nghìn km vừa khai trương chở những gì, khủng thế nào?

Theo phương án mà Chính phủ chấp nhận thì trong những năm tới sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng lên gấp 3-4 lần đến năm 2030.

Khai trương 2 tuyến đường sắt từ Việt Nam đến Trung Quốc

Chỉ trong vài tháng trở lại đây, Việt Nam đã khai trương 2 tuyến đường sắt nối Việt Nam - Trung Quốc. Đó là chuyến tàu hàng liên vận quốc tế từ thành phố Thạch Gia Trang (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Hà Nội) và tàu liên vận quốc tế chạy trên tuyến đường sắt từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến Trung Quốc.

Cụ thể, tại Hà Nội, vào sáng ngày 02/8, chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên của Trung Quốc từ thành phố Thạch Gia Trang đã đến ga Yên Viên (Hà Nội).

Đây là chuyến tàu đầu tiên của tuyến vận chuyển hàng hóa giữa hai nước, được các đơn vị đường sắt Việt Nam và Trung Quốc cùng tổ chức thực hiện. Đoàn tàu này chạy thẳng, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển so với thời gian chuyển tải hàng tại biên giới như trước và thuận tiện hơn trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại buổi lễ, Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) và Công ty hữu hạn vật lưu lục cảng quốc tế Thạch Gia Trang đã ký hợp tác toàn diện, cam kết cùng khai thác nguồn hàng, vận chuyển hàng hai chiều bằng tàu chuyên tuyến và xây dựng hệ thống kho bãi, hệ thống vận tải đa phương thức.

Hai tuyến đường sắt nối Việt Nam-Trung Quốc dài hàng nghìn km vừa khai trương chở những gì, khủng thế nào? - Ảnh 1.

Chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên của Trung Quốc từ thành phố Thạch Gia Trang đến ga Yên Viên, Hà Nội (Ảnh: Báo Tin tức)

Hai bên sẽ tổ chức chuyến tàu hàng xuất phát từ Thạch Gia Trang đến ga Yên Viên và ngược lại với tần suất chạy tàu tối thiểu một chuyến mỗi tuần, sau đó sẽ tăng tần suất chạy tàu căn cứ theo nhu cầu thực tế.

Chỉ hơn 1 tháng sau, vào chiều ngày 27/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp tổ chức "Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc".

Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc (Ảnh: Cty vận tải đường sắt Sài Gòn)

Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc (Ảnh: Cty vận tải đường sắt Sài Gòn)

Theo lịch trình vận chuyển, ngày 27/9, lô hàng được vận chuyển đến ga Sóng Thần và được xếp lên các toa tàu để vận chuyển đến ga Yên Viên (Hà Nội). Tại đây, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang toa tàu khổ 1.400mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự kiến đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) ngày 5/10.

Ga Sóng Thần thuộc địa bàn thành phố Dĩ An là ga hàng hóa lớn nhất phía nam. Đây là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh. Tuy nhiên, ga Sóng Thần hiện mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động liên vận quốc tế nên chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô - xe máy và nông sản, thực phẩm. Tuyến vận chuyển chính là từ ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Do đó, đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc đánh dấu việc ga liên vận quốc tế Sóng Thần lần đầu tiên trực tiếp tham gia phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương.

Có gì trên những chuyến tàu hàng liên vận Việt - Trung?

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đoàn tàu từ ga Sóng Thần, Bình Dương đi gồm 19 toa chở lô hàng tinh bột sắn, loại dùng làm thực phẩm với số lượng 499,7 tấn, được đóng trong 19 container 40" thuộc tờ khai xuất khẩu số 305837401940/B11 ngày 25/9/2023. Đoàn tàu dự kiến đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) ngày 5/10.

Cảng cạn container ga Yên Viên, Hà Nội (Ảnh: Báo Tin tức)

Cảng cạn container ga Yên Viên, Hà Nội (Ảnh: Báo Tin tức)

Ông Đặng Sỹ Mạnh - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. Nguồn hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô, xe máy và nông sản, thực phẩm. Dự kiến, giai đoạn 2025 - 2030, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.

Còn tàu hàng liên vận quốc tế khởi hành từ Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đến ga Yên Viên hôm 2/8 đã trải qua hành trình 2.700 km, đi hơn 4 ngày. Đoàn tàu có 23 toa chở gần 800 tấn hàng gồm thiết bị kim khí, hóa chất và phân bón.

Tại buổi lễ  khai trương tuyến vận tải liên vận giữa Hà Nội và Thạch Gia Trang, 2 bên cũng đã ký hợp tác toàn diện, cam kết cùng khai thác nguồn hàng, vận chuyển hàng hai chiều bằng tàu chuyên tuyến và xây dựng hệ thống kho bãi, hệ thống vận tải đa phương thức.

Hai bên sẽ tổ chức chuyến tàu hàng xuất phát từ Thạch Gia Trang đến ga Yên Viên và ngược lại với tần suất chạy tàu tối thiểu một chuyến mỗi tuần, sau đó sẽ tăng tần suất chạy tàu căn cứ theo nhu cầu thực tế.

Ông Mạnh cũng cho biết, hiện nay xuất nhập khẩu bằng đường sắt mỗi năm đạt 1,1 triệu tấn. Chính phủ đã chấp thuận phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt vào cuối năm 2022. Theo phương án này, trong những năm tới sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng mạnh lên gấp 3-4 lần hiện nay.

Đường sắt Việt Nam bước vào 'cuộc đua' liên vận quốc tế

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, các ga hoạt động liên vận quốc tế sẽ được đầu tư cải tạo các hạng mục đường đón gửi tàu, xếp dỡ, thông quan, đường bộ kết nối vào bãi hàng, hướng đến mục tiêu ngành đường sắt đặt ra tới năm 2030 sản lượng vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt đạt 4 - 5 triệu tấn/năm, gấp 4 - 5 lần hiện nay.

Từng khá chậm chân song đường sắt Việt Nam đang quyết tâm trở mình để gia nhập cuộc đua tàu liên vận với các nước trong khu vực.

Đường sắt có nhiều lợi thế, ưu việt hơn đường biển về tốc độ, ưu việt hơn hàng không về chi phí. Đây là lý do vài năm gần đây sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm. Riêng năm 2022, dù nhiều nguồn hàng sụt giảm nhưng sản lượng, doanh thu hàng liên vận quốc tế cả năm vẫn tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO), sản lượng hàng liên vận quốc tế năm 2022 qua 2 cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng đạt 950.000 tấn, bằng 109% so với cùng kỳ 2021.


Theo Trang Anh

Phụ nữ thủ đô

Trở lên trên