Hai tuyến kênh chính giữa nội đô TP HCM lúc "rỗng ruột" có gì?
Mỗi lần kênh Nhiêu Lộc và kênh Tàu Hũ ở TP HCM "rỗng ruột" cũng là lúc lớp bùn nhô lên, bốc mùi hôi thối
Hay tin, Sở Giao thông Vận tải TP HCM chuẩn bị nạo vét bùn dưới dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất nhiều người dân sống lân cận phấn khởi.
Bởi mỗi tháng ít nhất 2 lần người dân gặp cảnh nước cạn thì cũng lúc lúc mùi hôi thối tấn công.
Ông Lê Bá Phú (52 tuổi, ngụ đường Hoàng Sa, phường 7, quận 3, TP HCM) phản ánh: "Bùn thải hòa chung với xác cá chết tạo ra mùi rất tanh và khó chịu. Có đoạn như mùi chuột chết. Dân ở đây chịu không thấu".
Cũng theo ông, nước cạn cũng là lúc nhiều người chèo ghe ra tận diệt môi trường bằng cách chích điện bắt cá.
Vì vậy, khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "rỗng ruột" thứ phủ đầy khắp nơi chính là mùi hôi.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cạn nước cũng là lúc người dân chích điện bắt cá.
Dòng kênh cạn nước, lớp bùn dày xuất hiện.
Cơ hội cho nhiều người đánh bắt cá trên dòng kênh cạn nước.
Không chỉ kênh Nhiêu Lộc mà cả kênh Tàu Hũ - Bến Nghé cũng rơi cảnh tương tự, mùi hôi khiến toàn bộ dân cư quận 8, quận 6 và quận 5 chịu trận.
Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé cạn khô nước và đầy bùn.
Lớp bùn dày đến mức cao hơn cả miệng cống.
Môt số đoạn bùn nhô lên thành ụ cao.
Rác và mùi hôi bốc lên rất khó chịu.
Đây cũng là dịp người dân quăng lưới, chích điện để bắt cá.
Kế hoạch nạo vét
Dự kiến giữa tuần này, dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chiều dài gần 9 km bắt đầu khởi công, chia làm 3 giai đoạn thực hiện từ nay đến cuối năm. Khu vực thi công nạo nét thực hiện trên tổng chiều dài gần 9 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ ngã ba sông Sài Gòn đến đường Út Tịch (qua địa bàn các quận Bình Thạnh, 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 36,5 tỉ đồng, với khoảng 122.000 m3 bùn được nạo vét.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết quá trình nạo vét sẽ chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn dự kiến thực hiện trong 75 ngày. Trong đó, giai đoạn 1 thi công từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6, chiều dài khoảng 1,4 km, khởi công giữa tuần này và thực hiện đến tháng 6. Bề rộng thi công 25 m và chiều sâu khoảng 0,9 m. Giai đoạn 2, việc nạo vét thực hiện từ cầu số 6 đến đường Út Tịch, chiều dài cũng khoảng 1,4 km, bề rộng từ 24,1 m đến 42,2 m và độ sâu là 1,1 m. Đoạn này dự kiến thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay. Giai đoạn 3 - đoạn dài nhất của dự án - từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn, với tổng chiều dài nạo vét là 5,8 km. Đoạn này thi công trên bề rộng 25 m và chiều sâu là 1 m, dự kiến thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, trong việc thực hiện dự án này, các bên liên quan trước đó đã nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng. Bùn thải sau khi nạo vét sẽ chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá quá trình thi công sẽ rất khó xử lý triệt để mùi hôi do bùn thải được nạo vét lên, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Vì vậy, Trung tâm Quản lý đường thủy đã yêu cầu nhà thầu thi công nạo vét dùng phế phẩm EM để khử mùi, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Từ cách đây 8 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thi công nạo vét. Hiện nay, do ảnh hưởng của các tuyến cống, rác cùng bùn thải chảy vào kênh, đồng thời chịu ảnh hưởng dòng chảy từ sông Sài Gòn làm bồi lắng, gây mùi hôi. Trong khi nhiều năm gần đây, tuyến kênh này còn xảy ra tình trạng cá chết, nhất là vào đầu mùa mưa, vì vậy dự án nạo vét thực hiện nhằm cải thiện môi trường tại khu vực.
Người lao động