Hai vợ chồng mở 30 cửa hàng cơm thố nhưng không biết lập báo cáo tài chính: Shark Hưng thở dài, Shark Bình bất ngờ đầu tư 7,5 tỷ đồng
Shark Bình đi ngược chiều với các "cá mập" còn lại, quyết định đầu tư vào startup dù chưa có báo cáo tài chính rõ ràng, mô hình kinh doanh gia đình.
- 23-10-2023Shark Thủy bị NĐT tố cáo huy động vốn cam kết lãi suất lên tới 18%/năm nhưng không trả tiền
- 19-10-2023Shark Hưng tiết lộ lý do thương vụ với Dat Bike bất thành, đặt hy vọng vào sản phẩm xe điện 3 bánh bằng cách "kéo startup trở lại mặt đất"
- 18-10-20235 “tử huyệt” của xe điện 3 bánh tự chế lên Shark Tank: Không thể so với Dat Bike, tự thân xin kiểm định thì 3 năm nữa chưa chắc chốt deal được với Shark?
- 18-10-2023Đem thiết bị cảnh báo cháy sớm giá 3,4 – 3,8 triệu đồng/chiếc đi gọi vốn, PiSafe tham vọng trở thành “ứng dụng quốc dân” nhưng bị hầu hết các Shark từ chối
Cơm thố Bách Khoa - thương hiệu do anh Nguyễn Thiệp và chị Đỗ Mai đồng sáng lập lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, với đề nghị đổi 10% cổ phần lấy 5 tỷ đồng.
Chuỗi 30 cửa hàng nhưng chưa biết lập báo cáo tài chính
Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ đến hiện tại, sau gần 10 năm, họ đã có 30 cửa hàng. Trong đó, 16 cửa hàng tự sở hữu, còn lại là nhượng quyền. Ngoài ra, Cơm Thố Bách Khoa cũng có 11 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo giới thiệu, sự khác biệt của Cơm Thố Bách Khoa nằm ở công thức độc quyền và đội ngũ luôn nghiên cứu sản phẩm mới. Điều này đã giúp họ có mặt trong top 10 doanh thu của các ứng dụng đặt đồ ăn tại Hà Nội.
Chi phí đầu tư một cửa hàng nhượng quyền khoảng 400-600 triệu đồng, bao gồm chi phí nhượng quyền, set-up. Thương hiệu cũng có nguồn thu từ việc bán nguyên liệu.
Theo nhà sáng lập Nguyễn Thiệp, doanh thu năm 2022 của Cơm Thố Bách Khoa đạt 40 tỷ, lợi nhuận 5 tỷ đồng. Hiện chưa có cơ sở nào ghi nhận lỗ. Từ đầu năm 2023 đến thời điểm gọi vốn, doanh thu đạt trên 50 tỷ và dự kiến chạm mốc 80 tỷ đồng vào cuối năm. Hai vợ chồng nhà sáng lập kỳ vọng với sự đồng hành của "cá mập", có thể nâng quy mô lên 100 cửa hàng vào năm 2024 tại các thị trường tỉnh.
Shark Bình đặt câu hỏi về kế hoạch hiện thực hoá mục tiêu 100 cửa hàng, nhà sáng lập chưa thể đưa ra bức tranh cụ thể mà chỉ cho biết "có thể tự mở hoặc nhượng quyền".
Trong khi đó, Shark Hưng thắc mắc về tỷ lệ doanh thu online và offline. Theo chị Đỗ Mai, kênh bán hàng online đang chiếm tới 60-70% tổng doanh thu. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn muốn mở rộng các cửa hàng vì biên lợi nhuận trên các ứng dụng giao đồ ăn mỏng hơn. Đồng thời, lượng khách ở kênh cửa hàng tăng trưởng cũng sẽ giúp phát triển tệp khách hàng online.
Đối mặt với những câu hỏi về tài chính doanh nghiệp, hai nhà sáng lập tỏ ra khá bối rối và cũng thừa nhận không nắm rõ.
+ Shark Hùng Anh: Tổng Tài sản của các bạn là bao nhiêu? Nợ và vốn chủ sở hữu của các bạn là bao nhiêu?
- Founder Nguyễn Thiệp: Tổng tài sản là 9 tỷ, vốn lưu động là 2 tỷ đồng.
+ Shark Hưng: Em có lập báo cáo tài chính không?
- Founder Nguyễn Thiệp: Có ạ.
+ Shark Hưng: Vậy trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản là bao nhiêu?
- Founder Đỗ Mai: Chúng em là báo cáo theo lợi nhuận - doanh thu từng cửa hàng, mỗi tháng làm sổ từng cơ sở.
+ Shark Hưng: Vậy nếu tôi đầu tư vào, mỗi tháng tôi phải đọc 30 báo cáo của các cửa hàng?
Shark Hưng thở dài: "Chưa có bảng cân đối kế toán. Chưa biết tài sản đang tồn tại dưới dạng nào. Bao nhiêu vốn chủ, nợ".
Đồng thời, cũng chưa có nền tảng nào giúp tích hợp, theo dõi tổng doanh thu của tất cả các kênh bán hàng.
Các Shark thở dài, chỉ Shark Bình chốt deal
Shark Hưng một lần nữa thở dài trước khi đưa ra kết luận: "Hay tôi bỏ 500 triệu mua nhượng quyền còn hợp lý hơn. Mô hình của bạn rất gia đình, báo cáo tài chính rất khó. Nhìn vào mô hình cũng thấy các bạn chỉ muốn các Shark tham gia vào nói thêm vài câu, có thêm hình ảnh" . Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Shark Lâm, Shark Hùng Anh và Shark Louis cũng lần lượt nói không với đề nghị đầu tư.
Người duy nhất thắp sáng hy vọng cho hai nhà sáng lập là Shark Bình. Chủ tịch NextTech cho rằng hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ từ chối vì mô hình doanh nghiệp gia đình.
"Khó gọi vốn thì mãi mãi là doanh nghiệp hộ gia đình, kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao tinh thần mong muốn lột xác của các bạn" , Shark Bình nhận định.
Tuy nhiên, Chủ tịch NextTech muốn có tiếng nói trong doanh nghiệp đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 36% cổ phần , với điều kiện phải mở được 100 cửa hàng, trả cổ tức hằng năm và hoàn tất Deal diligence (thẩm định) trước khi phát sóng. Điều này nhằm tránh việc startup có ý định chỉ lên Shark Tank để đánh bóng tên tuổi.
Sau thời gian hội ý, hai nhà sáng lập Cơm Thố Bách Khoa đồng ý với đề nghị của Shark Bình, tuy nhiên muốn được mua lại 10-15% cổ phần sau 2 năm theo giá trị trường. Shark Bình cho rằng "có bẫy" rủi ro trong phương án này bởi doanh nghiệp có thể lỗ sau khi mở rộng, đồng thời không thể kiểm soát tính minh bạch trong tổ chức.
Nhà sáng lập Đỗ Mai bất ngờ nâng deal: 10 tỷ cho 36% cổ phần.
Shark Bình thương lượng: Vậy tại sao không chốt 5 tỷ cho cho 36% cổ phần, đồng thời cho vay 5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Đến đây, Shark Hùng Anh lưu ý, 36% đồng nghĩa với việc hơn 1/3 công ty sẽ giao lại cho nhà đầu tư.
Hai founder vẫn còn băn khoăn và giữ đề nghị: 10 tỷ cho 36% cổ phần.
Tâm huyết với deal, Shark Bình đề nghị "cưa đôi lấy nửa": 7,5 tỷ cho 36% cổ phần , kèm theo cam kết 100 cửa hàng, chia cổ tức và hoàn tất thẩm định. Cuối cùng, thương vụ cũng kết thúc có hậu trên sóng truyền hình khi hai nhà sáng lập gật đầu đồng ý với đề nghị của Chủ tịch NextTech.
Nhịp sống thị trường