Hâm mộ quán nước mía vỉa hè Việt Nam, người đàn ông Pháp ép nước mía Tây Ninh, bán khắp thế giới
"Mía châu Phi quá to. Mía Costa Rica cũng quá to. Còn mía Ai Cập lại quá bé. Kích thước phù hợp mà lại cho nhiều nước đúng màu vàng nhạt thì chỉ có mía ở Tây Ninh, Việt Nam" - ông Christophe Luijer cho biết.
Sau chuyến du lịch tới Việt Nam cách đây gần 8 năm, ông Christophe Luijer - vốn là người làm trong ngành xây dựng - đã bắt đầu một hành trình đầy thú vị: đặt hàng máy ép nước mía , rồi bán máy và bán nước mía tươi Việt Nam sang Pháp cùng khắp nơi trên thế giới.
Ông Luijer cùng nông dân trồng mía ở Việt Nam.
Những quán nước mía ven đường ở Việt Nam
Trên báo Rumport của Pháp, ông Luijer chia sẻ rằng, cách đây 8 năm, khi còn làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty xây dựng, ông có dịp tới thăm quan Việt Nam. Trong hành trình đó, ông thấy rất nhiều tiểu thương bán nước mía ven đường. Họ sử dụng máy để ép lấy nước mía và bán trực tiếp cho khách.
Lần đầu uống loại nước đó, ông thấy rất hấp dẫn. Nhưng có điều, máy ép nước mía khá nguy hiểm và tạo tiếng ồn lớn, kích thước lại cồng kềnh.
Ý tưởng nảy ra sau lần trải nghiệm ấy. Ông Luijer quyết định tìm hiểu về máy ép nước mía và đưa ra thiết kế khắc phục những nhược điểm trên. Kết quả là máy ép nước mía Sokana ra đời khi người đàn ông Pháp đưa thiết kế này cho một công ty tại Việt Nam sản xuất. Máy đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu và ông Luijer bắt đầu hành trình đưa loại máy này đi khắp nơi trên thế giới.
Nhưng có máy ép nước mía thì phải có mía để ép.
Máy ép nước mía Sokanaa.
Vị mía tuyệt vời của Tây Ninh - Không nơi nào có
Ông Luijer đã đưa nước mía tới Pháp và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiện giờ ở quê hương ông, sản phẩm nước mía đã được nhiều người biết đến.
Tấm mía đông lạnh, ép tại chỗ trước khi uống, có vị tươi mát không khác gì nước mía vừa ép tại Việt Nam. Doanh nhân người Pháp từng chia sẻ với VTV: "Đối với tôi, quan trọng nhất là chất lượng mía, thân mía phải không quá to. Mía châu Phi quá to. Mía Costa Rica cũng quá to. Còn mía Ai cập lại quá bé. Kích thước phù hợp mà lại cho nhiều nước đúng màu vàng nhạt thì chỉ có mía ở Tây Ninh, Việt Nam.
Doanh nhân này không chỉ bán nước mía ép mà còn bán cả nước mía đóng chai.
Nước mía đóng chai Sokanaa.
Nước mía Sokanaa được bán dưới hình thức nước mía tươi (dùng với đá viên hoặc không) hoặc được phục vụ như cocktail ở một số quán bar tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới.
Để mang được mía tươi sang Việt Nam, thời gian đầu, ông Luijer cũng phải trăn trở rất nhiều.
"Ngay cả khi có thể đưa mía tươi từ Việt Nam vào thì hoạt động này không hiệu quả về mặt kinh tế. Lý do vì phương thức vận chuyển này rất đắt (khoảng 2.000 USD/tấn). Nghiêm trọng hơn, sau một tuần, số mía "tươi" nhập khẩu này lên men và bị hỏng", doanh nhân người Pháp từng chia sẻ với Rumporter về khó khăn khi đưa mía tươi sang Pháp.
Những tấm mía đông lạnh từ Việt Nam đi khắp nơi.
Chính vì thế, ông Luijer đã chọn cách cạo sạch vỏ thân mía, rửa sạch và cắt thành đoạn (mỗi đoạn 50 cm), đầu tấm mía hình vát để tiện cho việc đưa vào máy ép. Sau đó, ông Luijer cấp đông để có thể bảo quản được tấm mía lâu hơn.
Gần 8 năm qua, máy ép Sokanaa đã có mặt ở nhiều lục địa cùng với mía đông lạnh. Các sản phẩm của Sokanaa đã có mặt ở châu Âu, Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ…
Nước mía Việt Nam đi muôn nơi.
Ông Luijer và sản phẩm nước mía đóng chai Sokanaa.
Tổ quốc