Hầm vượt sông lớn thứ hai ở Việt Nam sẽ được xây tại Đà Nẵng vào năm 2018
Sáng 28/12, ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, cuộc họp Ban Thường vụ diễn ra vào chiều qua 27/12 đã “chốt” phương án làm hầm vượt sông Hàn.
- 27-12-2016Toàn cảnh TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao quay bằng flycam
- 27-12-2016Hôm nay, Đà Nẵng họp chốt chuyện làm hầm hay cầu
- 24-12-2016Đà Nẵng - Nha Trang - Phú Quốc: 3 thị trường BĐS nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam
- 23-12-2016Diện mạo Đà Nẵng sau 20 năm phát triển
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, qua 20 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Nẵng đang trở thành điểm nóng về đàu tư với nhiều dự án du lịch lớn đã được đưa vào hoạt động, tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu.
Điển hình như khách sạn Furama, khu du lịch Silver Shore Hoàng Đạt, Pullman Beach Resort, sân Golf Hòa Hải (được bình chọn là sân golf tốt nhất Việt Nam), khu nghỉ dưỡng Fusion Maia (giai đoạn 1997-2010) và Vinpearl Luxury Resort (vượt chuẩn 5 sao), Hyatt Regency, Intercontinental Sun Peninsula Resort, Pulchra Resort, khách sạn Novotel, khu vui chơi giải trí Fantasy Park tại Bà Nà (giai đoạn 2011-2015), Công viên Châu Á (Asia Park), khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài…
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 507 cơ sở lưu trú với 18.904 phòng, trong đó có 94 khách sạn 3-5 sao với 9.673 phòng.
Để giảm áp lực lớn cho giao thông, Đà Nẵng đã và đang "rót" nhiều vốn cũng như kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để phát triển các mô hình giao thông mới, trong đó đang tập trung đầu tư hai hầm chui tai hai nút giao thông lớn. Đáng chú ý là thành phố đang đi đến một quyết đinh táo bạo là đầu tư dự án hầm vượt sông Hàn - hầm vượt sông lớn thứ hai tại Việt Nam.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng (người được Thành ủy giao nhiệm vụ phát ngôn về công trình này), phương án làm hầm thẳng đã được thông qua với tổng mức đầu tư 4.700 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nguồn thu từ quỹ đất thành phố.
Hầm chui sẽ nối trực tiếp từ nút giao Đống Đa - Như Nguyệt (quận Hải Châu) qua vòng xoay Vân Đồn (quận Sơn Trà). Ông Trung cho biết thêm, phương án làm hầm thẳng sẽ tốn kinh phí lớn hơn so với phương án làm hầm cong vì kinh phí giải tỏa 210 hộ dân tại nút giao thông phía tây sông Hàn.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng đã mời Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – Bộ GTVT) đến trình bày duy nhất phương án làm hầm qua sông Hàn.
Theo đó, có 3 phương án làm hầm được BRITEC đưa ra, với mức kinh phí cho mỗi phương án là 4.100 tỉ, 4.700 tỉ và 5.300 tỉ tương ứng 6 làn xe và 8 làn xe. Qua thảo luận được mô tả là “rất nhanh”, Ban Thường vụ Thành Ủy Đà Nẵng đã chọn phương án xây dựng hầm (được thay đổi từ hầm chữ Z sang hầm thẳng 6 làn xe) với kinh phí dự toán 4.700 tỉ đồng (tăng gần 700 tỉ đồng so với phương án cũ của BRITEC), thời gian thi công 36 tháng.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng giao Sở GTVT Đà Nẵng và BRITEC soạn thảo văn bản chính thức công bố với công luận về quyết định này trong vòng 1 – 2 ngày tới. Theo thông tin từ cuộc họp, năm 2017 sẽ tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư; dự kiến năm 2018 tiến hành triển khai để đến năm 2020 hoàn thành.
Trước đó, Công ty BRITEC từng 2 lần báo cáo với lãnh đạo TP Đà Nẵng phương án làm hầm qua sông Hàn (vào tháng 12/2015 với tổng mức đầu tư 5.600 tỉ đồng, độ dốc của hầm là 5%; và tháng 5/2016 với tổng mức đầu tư 4.088 tỉ đồng, độ dốc của hầm 4%) nhưng đều không được chấp nhận.
Lần thứ 3, đơn vị này đã tham gia thi tuyển quốc tế phương án xây dựng công trình vượt sông Hàn, cũng với phương án làm hầm qua sông Hàn (có sự tham gia của một Công ty tư vấn Nhật Bản). Tuy nhiên cuộc thi không có phương án nào đoạt giải, kể cả phương án của BRITEC. Mặc dù vậy, tại cuộc họp ngày 18/10, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vẫn chọn phương án làm hầm qua sông Hàn.
Ông Trung cũng cho biết, TP đã đưa ra 2 phương án hầm cong và đường thẳng. Từ khi có ý kiến vào tháng 10.2015, đã có nhiều cuộc lấy ý kiến và đã báo cáo TP vào tháng 6.2016. “Sau báo cáo TP đã cho phép nghiên cứu phương án hầm và sẽ báo cáo tiếp”, ông Trung nói tại cuộc họp báo.
Về phương pháp thi công hầm, ông Trung cho hay, công trình hầm Thủ Thiêm (TP.HCM) được làm trên vùng nền đất yếu, mực nước sông sâu nên dùng công nghệ dìm rất phức tạp. Còn đối với phương án hầm sông Hàn nằm trong vùng địa chất đất sét, mực nước 5 m nên biện pháp thi công sẽ khác với hầm Thủ Thiêm và có thể yên tâm. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu phương pháp thi công khác hầm Thủ Thiêm”, ông Trung nói thêm.
Cũng tại cuộc họp báo vào ngày 21/12, về dư luận cho rằng chủ trương xây hầm là vội vã, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, dự án này chúng ta chuẩn bị rất kỹ và kỹ nhất trong các dự án. Thường vụ Thành ủy họp đã 3 phiên. Phiên sắp tới (tức phiên hôm ngày 27/12) là thứ 4 sẽ nghe UBND TP báo cáo về phương án tài chính”.
“Rất chặt chẽ, rất kỹ càng rất lâu... Các đồng chí nói chúng tôi vội vã là không chính xác. Chưa có công trình nào mà Ban Thường vụ Thành ủy họp 4 lần để cho chủ trương…”, ông Xuân Anh nói.