Hạn chế cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại ở Việt Nam, điều gì sẽ đến?
Theo chuyên gia, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu sẽ đem lại điều tích cực cho hệ thống ngân hàng Việt.
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Mới đây, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hay các tổ chức tín dụng đang trong kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật TCTD mới sửa đổi như Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng… tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.
Một nội dung nữa hết sức quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập, đó là Chính phủ sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Phó Thủ tướng thông tin, hiện rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước quan tâm đến các tổ chức tín dụng nói trên.
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện có 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank và 3 ngân hàng "0 đồng" - CBBank, GPBank, OceanBank), 31 ngân hàng TMCP, 2 ngân hàng liên doanh và 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trong 9 ngân hàng nước ngoài này, có 5 ngân hàng đầu tiên được cấp phép hoạt động vào năm 2008 và 2 năm gần đây (2016-2017) có thêm 4 ngân hàng mới tiến vào thị trường, đó là chưa kể còn hàng loạt các ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoặc thành lập chi nhánh, mở văn phòng đại diện. Điều này cho thấy, hiện tại ngành tài chính ngân hàng Việt Nam vẫn đang có nhiều sức hút với các nhà đầu tư ngoại.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, kế hoạch siết chặt hơn hoạt động mở mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể xuất phát từ việc số lượng các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế và so với các nước khác, do đó Nhà nước muốn tái cơ cấu, muốn sáp nhập, hợp nhất để giảm số lượng các ngân hàng đi. Hơn nữa, ngân hàng nước ngoài cũng là ngân hàng thương mại, và với con số 9 thì cũng không phải là ít, nên cùng một logic thì hạn chế số lượng trong tương lai là điều dễ hiểu.
Ông cho biết thêm, khi hạn chế số lượng các ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam có thể làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, giảm tính hiệu quả đầu tư, tuy nhiên đổi lại sẽ giúp tăng tính ổn định của hệ thống. Việc hạn chế sẽ buộc các ngân hàng muốn vào Việt Nam phải đi vòng, bằng cách mua lại ngân hàng đang tái cơ cấu như Chính phủ mong muốn, cũng có thể làm xuất hiện một số vụ M&A mới giữa các ngân hàng ngoại tại Việt Nam.
Trong khi đó chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc không cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài là để tập trung, hướng các nhà đầu tư nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém trong nước thay vì thành lập ngân hàng mới. "Thành lập ngân hàng mới thì cũng tốt, nhưng như vậy thì ngân hàng yếu kém vẫn còn đó. Vậy nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua ngân hàng yếu kém là điều hợp lý, cũng là cơ hội tốt cho các ngân hàng này" - ông Hiếu nói.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng yếu kém sẽ được 2 lợi ích rõ rệt. Thứ nhất, các ngân hàng này đều đang trong tình trạng thiếu vốn và khi nhà đầu tư nước ngoài mua lại sẽ được bổ sung vốn tự có. Thứ hai, kinh nghiệm quản trị của họ có thể giúp vực dậy những ngân hàng này, vốn đang trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Điều đó chắc chắn sẽ có tác động tốt tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Liên quan nhóm các tổ chức tín dụng thuộc diện yếu kém đang bắt buộc phải tái cơ cấu, hiện có 3 ngân hàng "0 đồng" và 1 ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt song không công bố báo cáo tài chính cũng như kết quả kinh doanh cụ thể trong nhiều năm trở lại đây nên tình trạng hoạt động ở những ngân hàng này vẫn còn nhiều ẩn số. Cuối năm 2017, nhiều nguồn tin cho biết Oceanbank đang trong quá trình đàm phán để bán cho một nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực châu Á, đến nay vẫn chưa có thông tin mới về thương vụ này.