Hạn chế rút BHXH một lần: Tránh gây sốc!
Rút BHXH một lần dẫn đến nhiều hệ lụy cho người lao động và cả hệ thống an sinh xã hội nhưng việc hạn chế hay chấm dứt thực hiện chính sách này cần có lộ trình
- 12-06-2023Chính phủ yêu cầu có giải pháp hạn chế số người lao động rút BHXH một lần
- 06-06-2023Người lao động đang rút BHXH một lần quá dễ dàng
- 26-04-2023Cách nào giải bài toán rút BHXH một lần?
Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự án Luật BHXH (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số cần quan tâm, do Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức ở TP HCM mới đây, bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc (LHQ) kiêm Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhìn nhận thời gian qua, công tác bảo trợ an sinh xã hội, bao gồm BHXH, của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Người lao động quá ít lựa chọn
Trong vòng 7 năm (2016 - 2023), số người tham gia BHXH đã tăng từ 13 triệu lên 17,5 triệu. Song, tỉ lệ bao phủ BHXH chỉ chiếm 37% dân số trong độ tuổi lao động - còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đạt 60% vào năm 2030.
Theo bà Pauline Tamesis, dân số Việt Nam đang già đi khá nhanh nên việc phát triển một hệ thống BHXH vững mạnh nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là người cao tuổi, càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc phần lớn dân số chưa được bảo vệ bởi hệ thống BHXH, số người rời khỏi chính sách an sinh thông qua việc rút BHXH một lần ngày càng tăng đang khiến vấn đề cải thiện hệ thống BHXH ở Việt Nam đối mặt nhiều thách thức.
Người lao động làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, khoảng 4,5 triệu lượt người lao động (NLĐ) đã hưởng BHXH một lần. Trong đó, gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay lại thị trường lao động và tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2022.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ khi áp dụng Nghị quyết 93/2015/QH13, số NLĐ hưởng trợ cấp BHXH một lần có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê của BHXH tỉnh Đồng Nai, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2023, tổng số NLĐ nhận BHXH một lần trên địa bàn là 343.081 - bình quân mỗi năm có khoảng 44.000 NLĐ rút BHXH một lần, tốc độ gia tăng bình quân mỗi năm khoảng 7,7%.
Đa số NLĐ đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần có thời gian tham gia ngắn, khoảng 4,54 năm đối với nam và 4,28 năm đối với nữ. Độ tuổi bình quân của người hưởng BHXH một lần là 34,5 đối với nam và 32 đối với nữ. Nhóm tuổi hưởng BHXH một lần nhiều nhất là 20-30 (chiếm 38,73%) và 30-40 (38,59%).
Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, đa số NLĐ biết rõ việc tham gia và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần do cuộc sống gặp khó khăn, nhất là sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sự biến động về lao động trong doanh nghiệp hiện nay.
"Việc rút BHXH một lần dẫn đến nhiều hệ lụy cho NLĐ và cho cả hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, việc sửa đổi Luật BHXH theo hướng hạn chế, sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần, thúc đẩy để lương hưu trở thành đích đến duy nhất của BHXH là xác đáng và cần thiết. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần đi kèm với lộ trình cải thiện tính hấp dẫn của BHXH, nâng cao quyền lợi của người tham gia" - ông Thành nhìn nhận.
Cần thực hiện từng bước
Ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng phần đông NLĐ rút BHXH một lần là vì cần tiền để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Do vậy, nếu đột ngột thay đổi quy định theo hướng hạn chế rút BHXH một lần có thể gây bất ổn, làm giảm niềm tin của NLĐ vào chính sách, dẫn đến tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần.
"Thế nên, việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần phải thực hiện từng bước theo hướng giảm dần số tiền NLĐ được hưởng. Đồng thời, cần cải thiện mức lương hưu và tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn để hỗ trợ NLĐ lúc khó khăn nhằm giảm nhu cầu rút BHXH một lần của họ" - ông Andre Gama đề xuất.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, để tránh gây sốc cho NLĐ trong việc thay đổi chính sách, cần giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần như hiện tại đối với nhóm NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH mới được ban hành. Với người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, có thể cho phép rút phần NLĐ đóng hoặc 50% số tiền đóng (của cả NLĐ và đơn vị sử dụng lao động). Số tiền còn lại sẽ cộng dồn vào thời gian tham gia sau đó của NLĐ để họ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, theo bà Thúy, cần có cơ chế cho phép thân nhân được thừa kế chế độ BHXH trong trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH không may mất hay ra nước ngoài, để họ an tâm ở lại hệ thống BHXH lâu dài. Bà Thúy cũng cho rằng hiện nay, chính sách BHXH mới chỉ quy định tỉ lệ % lương hưu được hưởng mà chưa xem xét việc lương hưu của NLĐ có đủ sống hay không, dẫn đến NLĐ không mặn với chế độ hưu trí và rút BHXH một lần. Do vậy, nên quy định mức sàn lương hưu hoặc mức sàn lương đóng BHXH, sao cho khoản lương hưu nhận được đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Trong khi đó, bà Đặng Hồng Liên, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay do thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vừa thực hiện một số đợt cắt giảm lao động. Trong số những lao động nghỉ việc, nhiều người đã hơn 40 tuổi, có thời gian đóng BHXH trên dưới 20 năm.
Bà Liên băn khoăn sau khi nghỉ việc, số lao động này khó tìm việc làm mới, không thể tiếp tục tham gia BHXH, cũng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chính sách an sinh cho đối tượng này đang bỏ ngỏ. Do vậy, nên xem xét, bổ sung các chính sách BHXH đối với đối tượng này để họ không hướng đến việc nhận BHXH một lần.
nld.com.vn