Hàng bánh bao nổi tiếng đông khách nhất Hà Nội sau mấy đời vẫn thà để khách chờ hoặc khách bỏ về, tuyệt đối không gia tăng số lượng bởi lời dặn của người mẹ trước khi truyền nghề
Nằm ở con ngõ Nguyễn Hữu Huân (TP Hà Nội), quán bánh bao 30 năm tuổi lúc nào cũng tấp nập người mua, bánh vừa ra lò đã bán hết sạch.
- 08-03-2021Khoảnh khắc xúc động ngày 8/3: Người mẹ già bán rau ven đường nhận chiếc bánh kem và lời chúc mừng mà cậu con trai chưa bao giờ nói
- 05-08-2020Hàng bánh mì Hà Nội có từ thời bao cấp, mỗi ngày bán 400 chiếc, ngay trung tâm phố cổ nhưng giá chỉ 10 ngàn
Sự thật về quán bánh bao mang tiếng "khó mua nhất ở Hà Nội" liệu có phải do người chủ "chảnh" hay vì điều gì khác?
Ở Hà Nội có vô số các loại món ăn hấp dẫn, nóng hổi và giá vô cùng hợp lý với túi tiền của mọi người, chỉ cần ngồi và đợi chút là đã có một bữa no nê. Ấy thế mà lại có một tiệm bánh bao làm thực khách "phát hờn" vì bánh thì liên tục được làm, nhưng có mua về ăn được hay không lại là câu chuyện khác.
Đó là điều thú vị khi đến với cửa hàng Bánh bao Bà Mậu (nay đổi tên thành Bánh bao Phát Đạt) từ sáng đến chiều cứ khi nào quán mở cửa là có khách vào hỏi mua bánh, chỉ vài phút lại hết một mẻ bánh. Những người sau đó lại phải chờ đợi 15 - 20 phút, có người chẳng chịu được lại bỏ về, kèm theo lời than phiền trên mạng xã hội, ví cửa hàng bánh bao này là nơi "khó mua nhất ở Hà Nội" bởi 10 lần vào mua thì 9 lần hết hàng, còn lần cuối cùng được thưởng thức thì lại... muốn đợi tiếp, dù lâu cũng chẳng than.
Bắt đầu từ 30 năm về trước, người chủ của thương hiệu bánh bao này là bà Mậu, sau khi thôi không làm cửa hàng ăn uống đã tự làm bánh bao mang ra chợ Hàng Bè (Hà Nội) bán. Gánh hàng rong dẫu được nhiều người yêu quý thường xuyên mua ủng hộ nhưng bà Mậu đã cao tuổi, việc làm bánh cũng đã vất vả lại còn phải đi bán hàng rong lúc ngày nắng, lúc trời mưa lại càng vất vả hơn.
Chính vì thế năm 2010 bà Mậu mở cửa hàng bánh bao tại nhà tại số 8 ngõ Nguyễn Hữu Huân, nơi đây nằm gần những con phố sầm uất bậc nhất của trung tâm Thủ đô, nhưng lại vô cùng yên tĩnh. Mỗi ngày từng mẻ bánh bao cứ thế đến với những người Hà Nội, ấm nóng và vô cùng bổ dưỡng, chiếc bánh to đủ cho người lớn ăn thay bữa chính.
Là người con trai út trong nhà, cũng là người duy nhất theo nghề của bà Mậu, anh Nguyễn Thế Hoạt, cùng vợ là chị Tống Thị Kim Thanh mỗi ngày đều đặn mở cửa hàng 2 lần từ 7h30 sáng đến buổi trưa và từ 15h chiều đến 19h.
Nghe chuyện thực khách than phiền trên mạng xã hội khi chẳng thể nào mua được bánh, anh Hoạt vui vẻ chia sẻ: "Chẳng phải là mình làm ít, hay kênh kiệu gì với khách, nhưng mỗi ngày cả 2 vợ chồng làm liên tục cũng chỉ đủ 200 cái bánh bao bán cho khách. Ngày Rằm, đầu năm có ngày 23 tháng Chạp nhu cầu tăng lên rất nhiều, mọi người không chỉ ăn mà còn mua để làm đồ cúng.
Có những lúc khách xếp hàng, rồi thắc mắc việc bánh không đủ bán, nhưng có ngồi chờ mới thấy một thực tế bánh vừa hấp xong đã ngay lập tức có người mua, chỉ vài phút hết một mẻ, chẳng dám hẹn ai lát nữa đến lấy bao giờ".
Ở Hà Nội nói về ăn thì có rất nhiều lựa chọn, nhưng với dân sành thì có đi xa, đợi lâu để ăn ngon cũng là chuyện bình thường, có thưởng thức món bánh bao bà Mậu mới nhận thấy được giá trị của chiếc bánh làm thủ công so với những chiếc bánh thông thường.
Chủ cửa hàng cầm chiếc bát tô to tưởng chiếc bánh chỉ nằm gọn trong đó, ai ngờ đâu chiếc bánh được bưng ra lại to đùng như lấp luôn chiếc bát vậy. Điểm đặc biệt của chiếc bánh bao thương hiệu bà Mậu đến từ phần vỏ bánh dày và đặc ruột, vỏ bánh có một độ dai nhất định, mang một mùi hương rất thơm từ bột.
Phần nhân vẫn là mộc nhĩ, miến, nấm, thịt lợn và kèm theo là 1/4 quả trứng khiến chiếc bánh đã to lại thêm phần nhân ú ụ, hương vị đậm đà. Những ngày đầu Xuân ngồi bên hiên nhà vừa thưởng thức cốc sữa đậu nóng ăn kèm chiếc bánh bao đủ để no cả buổi sáng.
Không "công nghiệp hóa" món bánh bao gia truyền bởi lời dặn của mẹ trước khi truyền nghề
Để có được một món bánh bao chất lượng như vậy anh Hoạt cũng không ngại bật mí những điều làm nên thương hiệu của gia đình: "Nếu để kiếm được 25.000 - 50.000 đồng từ bát bún, cốc cà phê thì thực sự là không mất nhiều thời gian, không quá cầu kỳ. Nhưng để có chiếc bánh bao giá chỉ 18.000 đồng thì vừa là thời gian vừa là những kinh nghiệm tích lũy từng ngày để chiếc bánh ngày một hoàn hảo.
Mỗi ngày việc nhào bột dù đã có sự hỗ trợ của máy móc nhưng vẫn tốn nhiều thời gian, kết hợp những nguyên liệu từ bột, men ở một tỷ lệ nhất định sẽ cho ra vỏ bánh vừa trắng, dẻo và đặc ruột. Phần nhân cũng là nhân truyền thống từ mộc nhĩ, nấm, miến, thịt và trứng nhưng phải là loại đắt tiền, tươi và ngon nhất thì ắt hương vị sẽ ngon".
Cuối giờ chiều từ khoảng 4h30 đến 5h30 là thời điểm tan tầm, người lớn và những đứa trẻ trên đường về nhà với chiếc bụng đói meo lại ghé qua quán bánh bao bà Mậu, khiến cảnh tượng đã đông nay không còn chỗ đứng, người 1 chiếc người lấy 5 - 6 chiếc ăn tối luôn làm cho cả mẻ bánh to hết bay.
Có người đã đến xin học nghề, hay muốn mua số lượng lớn về để bán lại nhưng anh Hoạt đều từ chối bởi lời mẹ dặn trước khi truyền nghề: "Nghề này làm không giàu được nhưng cứ chăm làm ắt đủ ăn. Làm bánh luôn đặt chất lượng lên hàng đầu". Cũng chính vì thế đã 30 năm từ hàng bán rong đến khi mở cửa hàng vẫn chỉ có người nhà vừa làm vừa bán mà chẳng hề phá vỡ "quy tắc vàng đó".
Cũng chính vì vậy, mà mỗi ngày những vị khách quen đã ăn hàng chục năm vẫn thường xuyên ghé qua, vừa chờ đợi vừa nói chuyện vui vẻ với anh chị chủ tiệm cho mau qua thời gian đợi bánh được hấp chín. Khoảnh khắc cầm chiếc bánh nóng hổi trong tay ăn để chống đói, chống rét giữa con ngõ Nguyễn Hữu Huân yên ả quả là một cảm giác thú vị, bạn hãy thử để biết Hà Nội có một tiệm bánh bao thú vị đến thế.
Pháp luật và bạn đọc