Hàng bánh giò phố cổ 4 thế hệ nằm khiêm tốn đầu dốc Hàng Than, không biển hiệu, chỉ bán 4 tiếng buổi chiều nhưng hôm nào cũng hết bay 250 chiếc bánh
Nói là bán 4 tiếng nhưng 250 cái bánh hết veo trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, còn giò chả thì "cháy hàng" vài chục cân, khách muốn mua thêm cũng chẳng có vì chủ hàng chỉ bán mỗi vậy thôi!
- 19-11-2020Hóa ra đây mới thực sự là món phụ nữ nên ăn trong bữa sáng để vừa "nuôi dưỡng" nội tạng lại giảm cân nhanh
- 18-11-2020Thì ra đây là những món ăn khiến cơ quan nội tạng "sợ hãi" nhất, phụ nữ nếu tránh kịp thời thì cuối đời cũng chẳng sợ bệnh
- 18-11-2020Cần tây vừa là món ăn ngon bổ vừa là thuốc chữa bệnh nhưng cấm kỵ ăn với những thực phẩm này
Mới 4h chiều, vừa lượn qua đầu dốc Hàng Than tôi đã thấy người xe xếp hàng đông nghịt, tràn cả ra đường. Nhiều người đi qua nghểnh cổ lên xem tưởng... đánh ghen, nhưng sự thật thì đám đông ấy vây quanh một cửa hàng bé xíu xiu, chuyên bán giò chả, bánh giò từ làng nghề truyền thống Ước Lễ.
Tuy không có biển hiệu nhưng hàng bánh giò dốc Hàng Than rất dễ tìm, bởi chiều đến chỗ nào đông người xúm vô, chỗ đó chính là nơi thực khách cần!
Nghe giò chả đã thấy ngán, ấy vậy mà hàng chục người xúm vào í ới gọi mua hàng khiến cô chủ bận không ngơi tay. Cửa tiệm chỉ vỏn vẹn cỡ 4-5 mét vuông, nhưng bên trong lẫn bên ngoài đều không đủ chỗ đứng ngồi. Một vài khách bưng bát bánh giò đầy ụ ngồi trên dãy ghế nhựa con con, ăn vội ăn vàng khiến những vị khách đứng ngoài như tôi... sốt hết cả ruột. Cỡ chiều chiều như thế thì ai mà chẳng đói, lũ trẻ đi học về cũng ríu rít giục bố mẹ mua bánh giò để lót dạ trước giờ cơm.
Chật vật mãi mới có một chỗ để xe tử tế không vướng ai, tôi ngó nghiêng thấy chẳng còn chỗ đứng trước cửa nên đành sang quán cafe bên cạnh ngồi tạm, gọi một cốc nước ép uống cho mát lòng. Chừng 20 phút sau mới vãn khách, tôi ngó sang chị chủ mạnh dạn gọi bát bánh giò thêm topping chả cốm, dưa góp và giò tai. Ngắm đường phố 2 phút, một bát bánh nóng hổi có ngay trước mặt.
Chà, nhìn chiếc bát đầy đặn tôi bỗng nghĩ, quà chiều mà "xông xênh" thế này thì chắc tối về khỏi cần ăn cơm. Quả thực, mới xúc một thìa bánh giò lên đưa vào miệng nếm thử, tôi đã tin là cái bụng réo lăn tăn của mình sẽ thoả mãn no căng sau khi đánh chén đến miếng cuối cùng.
Nói một cách thật lòng thì đây không phải món bánh giò ngon nhất tôi từng ăn ở Hà Nội. Tuy nhiên, lớp bột gạo ở đây khá đặc, mềm mịn, cảm giác tròn vành rõ miếng chứ không phải tan ra trên đầu lưỡi giống bánh giò của những hàng quà sáng gánh rong. Kết hợp với giò chả thái nhỏ, thêm ít tương ớt rưới lên, thật sự là quá đủ cho một buổi chiều se se mát lạnh.
Ngồi chán chê nhâm nhi bát bánh giò, bắt chuyện dăm ba câu với chị chủ quán, tôi mới phát hiện ra là quán của chị... không có biển hiệu. Lọt thỏm giữa những tiệm cafe trưng biển quảng cáo xanh đỏ tím vàng đèn nhấp nháy, quán bánh giò này trông "hiên ngang" dễ sợ, ngoài cái quầy tủ kính bày đầy những khoanh giò và cái cân bé tí ra thì chẳng có cái gì có chữ ghi tên quán, menu cũng... chạy bằng mồm.
Cả khách lẫn chủ đều thuộc hết rồi tự hô order tùy theo sức sáng tạo ăn uống của mỗi người, quán có gì thì gọi nấy, một chiếc bánh giò nhưng có thể gọi thêm lẫn lộn các loại giò chả topping thêm vào. Ngoài ra, chị Hà bán lẻ giò chả theo lạng, có cả bánh giày kẹp giò, ruốc thịt, nem chua khá hấp dẫn.
Chị Hà chủ quán dễ tính vô cùng, dù đông khách đến đâu chị vẫn luôn xởi lởi, cả chục khách í ới gọi đồ một lúc nhưng rất hiếm khi chị nhầm lẫn. Thấy bà chủ xinh đẹp hiền hậu, nhiều khách quen cứ đều đặn có mặt mỗi buổi chiều, lắm lúc chỉ mua 1 lạng giò thôi nhưng chủ yếu là để gặp gỡ chị mà thôi. Nhìn chị Hà trẻ trung như thế, ai cũng giật mình ngạc nhiên khi biết chị đã... 42 tuổi, là thế hệ thứ 4 thừa kế tiệm bánh giò không tên ở số 2 Hàng Than.
Tiệm bánh giò không tên số 2 Hàng Than có lẽ đắt khách nhiều phần là bởi bà chủ quá đỗi dễ thương.
Vừa thoăn thoắt bóc lá chuối gói giò, chị Hà vừa kể chuyện: "Cái quán này là nhà tôi đi thuê thôi, bé tí teo nhưng cũng mở được gần 40 năm rồi, qua 4 đời từ cụ đến chị. Trước đây tôi làm văn phòng, cách đây khoảng 5 năm nghỉ về bán thay cho mẹ.
Hồi xưa các cụ nhà tôi mang giò chả truyền thống từ quê nhà Ước Lễ lên phố cổ bán, xách làn đi quanh phố bán cho người Hà Nội. Chỗ này ngày xưa là cái chợ cóc, mẹ tôi ngồi bán cho những người đi chợ ăn. Dần dần nhà tôi có xưởng làm giò chả riêng ở phố Yên Ninh, mỗi ngày tôi đều dậy sớm làm hàng ở đó rồi chiều chở ra Hàng Than. Cứ hết lại về xưởng lấy".
Hơn 40 năm trôi qua, chợ cóc dốc Hàng Than không còn nữa, nhưng tiệm bánh giò vẫn còn nguyên, thậm chí chẳng cần trưng biển hiệu hay quảng cáo khách vẫn ghé qua nườm nượp. Cả tuổi thơ của chị Hà gắn với hàng bánh giò bé tẹo của mẹ, lúc nào cũng mùi giò chả đượm quanh. Bên cạnh chiếc tủ kính mà chị ngồi bây giờ vẫn dán nguyên tờ chứng nhận đặc sản làng nghề Ước Lễ, cho mọi người biết một địa chỉ bán giò chả truyền thống uy tín lâu đời.
Tương truyền rằng người làng Ước Lễ giã giò dẻo quánh đến mức thịt không dính nổi vào chày, ngay từ khâu chọn thịt đã có bí quyết riêng mà không đâu bắt chước được. Giờ thì chẳng còn ai toát mồ hôi giã giò như xưa nữa, song dù chuyển sang xay bằng máy thì người gốc Ước Lễ vẫn chỉ dùng lá chuối để gói giò mà thôi, chứ không dùng ống nhôm kim loại. Đã thế, lại còn cầu kỳ theo quy ước lá nõn lần trong, bánh tẻ lần giữa, lá già lần ngoài. Luộc giò chín xong phải thả ngay vào nồi nước lạnh, đến khi cắt khoanh giò thì hương thơm dậy lên chẳng thể lẫn đi đâu.
Các bậc cao niên làng giò chả Ước Lễ thường nói: "Giò chả ngon khi cắt ra phải bóng mặt, nhiều lỗ khuất trạch, đấy là lỗ đựng nước ngọt trong đó". Thế nên khi bưng bát bánh giò nóng hổi thêm vài khúc giò chả nhỏ xinh bên trên, tôi lại ngồi ngắm nghía xem mình có số may được nếm chuẩn vị giò ngon trong truyền thuyết hay không.
Miếng giò chả ở đây được thái rất dày, gọn gàng. Nhân bánh đầy đặn, xào thơm ngon quyện với vỏ bánh.
Nói không ngoa, cắn miếng giò tai đầu tiên tôi đã thấy ngỡ ngàng, chẳng biết nhà chị Hà có bí quyết gì mà sụn lợn vừa mềm vừa giòn như thế, không hề cứng dai nhách như những miếng tôi từng ăn trong đời! Cảm giác như vẫn đúng là khoanh sụn đó, nhưng bằng cách nào mà nó lại rất dễ cắn, không hề giật mình ê răng khi nhai. Vị giò thanh nhẹ, kết hợp các loại gia vị rất khéo léo nên không thấy ngán.
Phần nhân bánh vẫn là thịt lợn băm nhuyễn với mộc nhĩ như truyền thống, nêm thêm gia vị ăn rất vừa vặn. Màu thịt hơi hồng hồng, cho vào miệng thấy ngọt thơm đầu lưỡi, nuốt đến đâu ấm bụng đến đó.
Xuất sắc nhất trong bát bánh giò tôi đang ăn phải kể đến món... dưa góp, chỉ mỗi dưa chuột thái lát muối chua ngọt mà đưa miệng vô cùng, giúp giải ngấy khá hiệu quả. Một thìa bánh giò lại thêm 1-2 miếng dưa góp, quay đi quay lại khách nào cũng xin bà chủ thêm dưa!
Điều đặc biệt nhất ở tiệm bánh giò không tên này là chỉ bán vỏn vẹn 4 tiếng, mở từ 3h chiều đến cỡ 6 rưỡi - 7h tối là đóng. Dù ngày nào cũng đắt khách, nhưng chủ quán chỉ bán đúng giờ giấc như thế, ai chậm chân đến muộn hết sạch đồ thì đành ngậm ngùi quay xe. Như buổi chiều nay tôi đến ăn, chẳng phải dịp cuối tuần mà khách đông đến chóng mặt, mua bán nhanh như chớp mắt, vừa cúi đầu ăn xong ngẩng lên tôi đã thấy thùng bánh vơi chẳng còn chiếc nào.
Đem thắc mắc hỏi vui cô chủ, tôi suýt nữa ngạc nhiên làm rớt cả chiếc thìa vì thông tin mà cô chia sẻ: "Mỗi ngày trung bình quán tôi bán cỡ hơn 200 cái bánh giò, hôm nay thì khoảng 250 cái. Để bánh luôn nóng thì phải ủ trong thùng, nhưng cũng chẳng để lâu mấy vì vừa bỏ bánh vào xong lại lấy ra bóc cho khách, có người mua về cả chục cái, còn lại thì khách ngồi ăn ở đây. Tôi cũng chẳng để ý lắm, cứ bán luôn tay nên hết hàng lúc nào không biết, nhiều người đến muộn thì 5h đã chẳng còn bánh, giò chả thì mỗi buổi bán vài chục cân, riêng chả cốm giò lụa khoảng tầm 15-16kg, có hôm nhiều hơn vì khách họ mua cả cân với vài cân mang đi là chuyện bình thường".
Bánh giò nóng ở đây bán chạy "thần tốc".
Trời nhá nhem tối, quán hết đồ, khách cũng vãn, con dốc nhỏ lại trở về sự bình yên như cũ sau vài tiếng nhộn nhịp đông vui.
Dù chẳng hề quảng cáo bao giờ, những món đặc sản truyền thống ở cửa tiệm chị Hà vẫn nổi tiếng ra tận nước ngoài. Xưởng giò chả của gia đình chị mọi năm bận rộn liên tục để đủ hàng cung cấp cho các mối lẻ trong nước lẫn thương buôn Việt kiều ở Đức, Pháp, Úc... nhưng do dịch nên năm nay không xuất đi được.
Mỗi bát bánh giò bình thường có giá 30.000 đồng, tùy theo loại giò chả ăn kèm sẽ được tính theo giá khác nhau, đắt nhất cũng chỉ 45.000 đồng nếu có sức ăn khỏe. So với mặt bằng chung hàng quán phố cổ thì đó cũng là mức giá hợp lý, nhất là những buổi chiều gió mùa se lạnh thì bánh giò nóng chính là "chân ái", vừa mộc mạc lại vừa dễ ăn với tất cả mọi người.
Pháp luật và Bạn đọc