Hãng bay sụp đổ, ngành hàng không và du lịch điêu đứng vì đại dịch, tương lai của tỷ phú Richard Branson sẽ đi về đâu?
Dù phần lớn các công ty trong đế chế kinh doanh của Branson đang gặp khó khăn, nhưng Virgin Galactic vẫn được coi là điểm sáng.
- 07-08-2020Tỷ phú Richard Branson: Cái bắt tay với Rolls-Royce và cuộc đua vào vũ trụ
- 13-05-2020Nỗ lực "cứu sống" đế chế giải trí và du lịch, tỷ phú Richard Branson hết thế chấp đảo riêng, đến bán cổ phần trong công ty hàng không vũ trụ với kỳ vọng huy động 500 triệu USD
- 21-04-2020Tỷ phú Richard Branson 'cầu cứu' chính phủ, thế chấp đảo riêng khi Virgin Air khó có thể sống sót qua khủng hoảng Covid-19
Richard Branson là một người ưa thích thử thách. Nhà sáng lập của Virgin Group đã tạo dựng danh tiếng và khối tài sản trị giá hơn 4 tỷ USD nhờ việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro và táo bạo "dấn thân" vào những lĩnh vực kinh doanh mới. Năm 2018, ông chia sẻ rằng: "Virgin thích đối mặt với những vấn đề dường như không thể giải quyết và nỗ lực vượt qua chúng."
Tuy nhiên, giờ đây, đế chế kinh doanh của tỷ phú Branson đang đối mặt với những điều có thể được coi là thách thức lớn nhất của họ. Nhiều công ty thuộc Virgin Group đều kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, trong đó là hàng không, tàu, khách sạn, du lịch trên biển, dịch vụ lên kế hoạch cho kỳ nghỉ - đang chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, Branson đã rót tiền cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, điều này có nghĩa là những dự án độc đáo mới sẽ nhận được ít nguồn lực hơn, ít nhất là trong ngắn hạn.
2020 đáng lẽ ra là một năm quan trọng đối với công ty hàng không vũ trụ thương mại Virgin Galatic trong việc thúc đẩy sự thành công. Công ty này là một câu chuyện nổi bật ở Phố Wall dù thực tế là chưa có lợi nhuận, Galatic có kế hoạch đưa Branson trở thành thành viên không thuộc phi hành đoàn đầu tiên được đưa lên vũ trụ trên chuyến bay của công ty vào năm tới. Dù đây là một "canh bạc", nhưng nếu thành công, họ sẽ thu hút được rất nhiều hành khách khác và mở ra cơ hội lớn cho việc kinh doanh hàng không vũ trụ.
Sam Korus – nhà phân tích của Ark Invest, cho hay: "Rõ ràng đó là bước đi rất táo bạo, nhưng bạn phải đánh giá cao ‘canh bạc’ đó khi Branson là người đầu tiên thực hiện."
Cho đến nay, Virgin Group đã đầu tư hơn 350 triệu USD vào các công ty của mình khi đối chọi với ảnh hưởng của dịch bệnh và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, theo người phát ngôn của công ty. Người này cũng lưu ý rằng, trong những tháng gần đây, Virgin tiếp tục đầu tư vào hoạt động kinh doanh vệ tinh – Virgin Orbit, và sản xuất máy thở để hỗ trợ tình trạng thiếu hụt trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Ngành du lịch, hàng không, du thuyền điêu đứng
Đại dịch đã khiến ngành du lịch điêu đứng và các chuyên gia cũng không dự đoán rằng sẽ có cải thiện đáng kể trừ khi có vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả. Ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, vẫn có thể xuất hiện những rào cản về tài chính và những vấn đề khác đối với hoạt động đi lại. Theo một cuộc khảo sát gần đây của IATA, 66% người được hỏi cho biết họ sẽ ít đi du lịch hơn sau khi đại dịch kết thúc.
Vào tháng 4, Branson đã yêu cầu chính phủ Anh và Australia hỗ trợ tài chính cho Virgin Atlantic và Virgin Australi, "trước tình hình bất ổn nghiêm trọng đối với hoạt động đi lại." Khi đó, Virgin Group đã bơm 250 triệu cho các công ty để hỗ trợ ứng phó với đại dịch. Vị tỷ phú thậm chí còn cho biết có thể sẽ thế chấp đảo riêng ở Caribbean để huy động càng nhiều vốn càng tốt, cứu được càng nhiều việc làm trong tập đoàn càng tốt. Trong khi đó, Virgin Group có hơn 35 công ty và sử dụng 60.000 nhân sự trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, chính phủ Anh đã từ chối yêu cầu của Virgin Atlantic về một khoản vay thương mại. Hồi tháng 7, hãng bay này đã công bố về một thỏa thuận tái cơ cấu trị giá 1,5 tỷ USD để duy trì khả năng thanh toán, chỉ vài ngày trước khi khai thác lại các chuyến bay chở khách. Theo một phần của thỏa thuận, Virgin Group đang chi 200 triệu bảng (262 triệu USD) cho công ty này.
Tuần trước, Virgin Atlantic đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 15 tại New York. Công ty này đã sa thải hơn 3.500 nhân viên và đóng cửa cơ sở tại sân bay Gatwick của London, nhưng vẫn "tự tin" vào kế hoạch tái cấp vốn. Trong khi đó, Virgin Australia cũng không nhận được khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ Australia. Do đó, công ty này đã phải tự nguyện "bán mình" cho Bain Capital vào tháng 6.
Ngoài ra, những công ty du lịch khác của Virgin cũng gặp khó khăn tương tự. Hồi tháng 2, Branson đã cho ra mắt dòng thu thuyền hạng sang – Virgin Voyages, sẽ khởi hành chuyến đầu tiên đến Caribbean vào tháng 4. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh bùng phát và cũng mang đến "tiếng xấu" cho ngành du thuyền khi một số tàu trở thành điểm lây bệnh lớn.
Thậm chí, ngay cả khi các chuyến du lịch được tiếp tục, Virgin Voyages vẫn có thể gặp khó khăn trong việc thu hút nhóm khách giàu có và trẻ tuổi mà hãng này đặt mục tiêu. Giá vé cho chuyến đi 3-4 ngày trên du thuyền này là 1.600 USD đến 19.000 USD. Đây là mức giá thiếu hợp lý dù ở bất kỳ thời điểm nào, nhất là khi nền kinh tế đang suy thoái.
Tương lai nào cho Virgin?
Dù phần lớn các công ty trong đế chế kinh doanh của Branson đang gặp khó khăn, nhưng Virgin Galactic vẫn được coi là điểm sáng. Bất chấp 1 năm cực kỳ biến động đối với Phố Wall, cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 55% kể từ tháng 1, khi công ty thông báo về việc khai thác hoạt động du lịch vũ trụ. Galatic niêm yết tại NYSE vào năm 2019, sau một thỏa thuận trao cho nhà đầu tư 49% cổ phần công ty.
Theo Bloomberg, trong những tháng gần đây, Branson đã bán hàng trăm triệu USD cổ phiếu của Virgin Galactic để huy động vốn cho các hoạt động kinh doanh du lịch truyền thống của Virgin. Cổ phiếu của Virgin Galactic đã giảm trong 1 thời gian ngắn vào tháng 5 sau khi Virgin Group thông báo sẽ bán tới 25 triệu cổ phiếu trong đó để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Động thái này được nhà đầu tư lo ngại về việc đầu tư cho lĩnh vực hàng không vũ trụ sẽ chậm lại.
Virgin Galactic dự kiến sẽ đưa hành khách lên các chuyến bay ngắn, ngắm cảnh ở rìa không gian và họ sẽ được lơ lửng trong vài phút với phòng không trọng lực đòng thời ngắn nhìn vũ trụ qua cửa sổ của tàu. Vé cho mỗi chuyến đi có giá khoảng 250.000 USD. Đầu tháng này, công ty cho biết họ đã nhận được hơn 700 khoản tiền đặt cọc tính đến ngày 30/6.
Virgin Galactic không cho rằng họ sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, do nhóm khách hàng siêu giàu mà họ hướng đến cũng ít có khả năng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, theo Korus đến từ Ark Investment. Ông cho rằng tham quan vũ trụ là lĩnh vực cực kỳ thú vị, nhiều người có thể làm rất nhiều điều tưởng chừng không thể.
Ngoài ra, Galatic cũng đang phát triển công nghệ tên lửa trở thành ngành kinh doanh du lịch hàng không, đưa mọi người di chuyển giữa các thành phố với tốc độ kỷ lục. Korus dự đoán, doanh thu của ngành này có thể sẽ là 300 tỷ USD/năm. Ông cho biết, thành công của Virgin Galactic trong bối cảnh các mảng khác đang gặp khó khăn có thể là "vệ binh" giúp mọi người thay đổi khi nghĩ về tương lai của ngành du lịch.
Tham khảo CNN