Hàng chục hộ dân lo sợ sông “nuốt nhà” uy hiếp tính mạng
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến dòng sông ăn sâu vào tận nhà dân. Nếu không có giải pháp lâu dài “hà bá” có thể nuốt trọn hàng chục căn nhà.
Sông dọa nuốt làng, uy hiếp quốc lộ
Thời gian vừa qua, 22 hộ dân tại xóm Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, Nghệ An đang phải nơm nớp sống trong cảnh lo âu bởi tình trạng sạt lở ngày một diễn biến phức tạp.
Thời gian qua dòng sông đã ăn sâu vào trong phần đất của các hộ dân khiến họ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. |
Có những vị trí dòng sông đã ăn sâu vào sát nhà dân, khiến một số công trình bị hư hỏng. Bên cạnh đó một số vị trí trên tuyến quốc lộ 48, đoạn qua địa bàn huyện Qùy Châu cùng được đặt trong tình trạng “báo động đỏ” vì quá trình sạt lở đang diễn ra một cách nhanh chóng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa bàn xóm Minh Tiến, quá trình sạt lở khiến dòng sông sông Hiếu đã lấn sâu vào sạt đến nhà nhiều hộ dân tại đây. Tại gia đình ông Nguyễn Văn Minh mặc dù ông mới đổ khoảng 100 triệu tiền đất, đá nhưng dòng sông đã tiếp tục “nuốt” đi khối lượng đất khổng lồ trên.
Những lũy tre được trồng trước đó dọc bờ sông cũng bị xói mòn tận gốc và có thể trở thành “mồi” cho “hà bá” bất kỳ lúc nào. Phía nền nhà, tường của gia đình ông Minh xuất hiện những vết nứt kéo dài rất nguy hiểm. Tình trạng sạt lở cũng khiến đất tại móng nhà bị sụt lún.
Tại hộ gia đình ông Phan Văn Nhân, Nguyễn Văn Quang, Phan Huy Ngọc... dòng sông Hiếu cũng đã ăn sát nền nhà của những hộ dân này. Có những vị trí sụt lún sát móng nhà vô cùng nguy hiểm. Trước đó, đây cũng là 4 hộ dân nằm trong diện nguy hiểm, buộc chính quyền địa phương phải di dời đến nơi an toàn.
Không những thế, dọc theo quốc lộ 48 có một số điểm tình trạng sạt lở đặt quốc lộ vào “báo động đỏ”. Quá trình sạt lở khiến lớp đất sát mặt đường bị sụt lún. Có vị trí trơ cả lớp nhựa đường.
Mặc dù mới đổ đất nhưng tình trạng sạt lở lại tiếp tục tái diễn khiến người dân vô cùng lo lắng. |
Theo những người dân tại đây, quá trình sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn khi thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động. Nguy hiểm hơn khi nhà máy tiến hành xả lũ vào tháng 7 vừa qua, dòng nước cuộn xiết đã ăn sâu vào đất của các hộ dân tại đây, khiến một số hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Lỗi của nhà máy đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm
Theo báo cáo số 721 của UBND huyện Quỳ Châu gửi UBND tỉnh Nghệ An, trên địa bàn bản Minh Tiến, xã Châu Tiến có 22 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất với chiều dài 800 m dọc theo bờ tả sông Hiếu. Vị trí sạt lở nằm dưới ngã ba sông Nậm Quàng, Nậm Hạt và Nậm Việc và nhà máy thủy điện Châu Thắng.
Sụt lún đến tận móng nhà của các hộ dân. |
Vào ngày 29/7, có 4 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng nguy cơ sập nhà rất cao. Sau khi nhận được thông tin cơ quan chức năng đã hỗ trợ di dời những hộ dân này đến nơi an toàn. Đồng thời có kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An có biện pháp kiểm tra, có giải pháp để xử lý tình trạng sạt lở.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản số 5684 giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Sở Công thương, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳ Châu, nhà máy thủy điện Châu Thắng kiểm tra xem xét nguyên nhân và hướng dẫn địa phương xử lý theo quy định đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo ông Lê Hải Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, hiện phía huyện vẫn đang chờ có kết quả cuối cùng đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người dân phương án tối ưu nhất là làm kè chống sạt lở tại vị trí này.
Về phía nhà máy thủy điện Châu Thắng dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng họ cũng đã có trách nhiệm. Bước đầu họ đã hộ trợ cho 1 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng với số tiền 100 triệu đồng.
Ông Hồ Ngọc Thiết – GĐ công ty cổ phần Prime Quế Phong, đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện Châu Thắng cho biết: Vị trí sạt lở nằm dưới lưu vực ngã ba sông, nhà máy thủy điện Châu Thắng chỉ nằm trên một nhánh sông vì thế cần có đánh giá cụ thể về nguyên nhân sạt lở, nếu trong đó trách nhiệm của nhà máy đến đâu sẽ sẵn sàng cùng người dân, chính quyền địa phương khắc phục thiệt hại.
Những vết nứt lớn kéo dài trong nhà do tình trạng sạt lở diễn ra. |
“Về lâu dài cần phải làm kè chống sạt lở dù kinh phí rất lớn nhưng đó là cách duy nhất để đảm bảo đời sống cho người dân. Nếu có kết luận nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trách nhiệm của nhà máy thủy điện đến đâu chúng tôi xin nhận và sẽ đồng hành cùng người dân, chính quyền địa phương trong quá trình khắc phục. Dù chưa có kết luận nhưng bước đầu chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho một số hộ dân kinh phí để khắc phục ban đầu”, ông Thiết cho biết.
Những hộ dân tại đây cũng mong muốn kè chống sạt lở sớm được xây dựng, nó như một lá chắn đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho họ. Những khoản hộ trợ chỉ là giải pháp tình thế, đến khi mùa mưa bão đến hàng chục hộ dân với cả trăm nhân khẩu lại phải nơm nớp sống trên miệng hà bá phía dưới là dòng nước đục ngầu cuộn xiết đang nuốt dần từng lũy tre áp sát đến nhà cửa của họ.
Hàng chục hộ dân lo sợ sông “nuốt nhà” uy hiếp tính mạng
VOV