Hàng chục tàu chở LNG tắc nghẽn ngoài khơi châu Âu giữa khủng hoảng năng lượng
Hàng chục tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang phải thả neo ngoài khơi Tây Ban Nha do không tìm được chỗ đỗ để dỡ hàng.
- 14-10-2022Khủng hoảng năng lượng nhưng vẫn dùng đèn đường khí đốt, thủ đô nước Đức tìm cách ‘ăn phải dành, có phải kiệm’
- 12-10-2022Trở thành cứu tinh cung cấp năng lượng cho châu Âu giữa khủng hoảng nhưng quốc gia này lại bị EU chỉ trích là "thừa nước đục thả câu"
- 09-10-2022Nguyên liệu lâu đời nhất thế giới thành tài sản quý khi châu Âu thiếu năng lượng sưởi ấm
Ảnh minh họa: Adobe Stock
Theo hãng tin Reuters (Anh), các công ty năng lượng cho biết họ sẽ phải tạm dừng quá trình vận chuyển khí đốt để đối phó với “sự cố ngoài ý muốn” trên. Sự cố này xảy ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm năng lượng do Nga dần cắt giảm nguồn cung khí đốt, đáp trả việc phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt vì chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.
Châu Âu đã phải tìm nguồn cung cấp thay thế, bao gồm cả LNG, nhưng sự xuất hiện ồ ạt nguồn nhiên liệu siêu lạnh này đã cho thấy châu lục còn nhiều thiếu sót trong năng lực “tái cơ cấu hóa”. Các nhà máy xử lý LNG của châu Âu, chịu trách nhiệm chuyển đổi LNG từ dạng lỏng về lại dạng khí, đã hoạt động hết công suất. Nếu tình trạng tắc nghẽn không sớm được giải quyết, những con tàu này có thể phải tìm kiếm các cảng thay thế ở các khu vực khác bên ngoài châu Âu để dỡ hàng.
Các thương nhân, nhà phân tích và nguồn tin thân cận tại các cảng LNG cho biết tính đến ngày 17/10, có trên 35 tàu chở LNG đang trôi dạt ngoài khơi Tây Ban Nha và quanh Địa Trung Hải. Trong đó, có ít nhất 8 tàu đang đậu ngoài khơi vịnh Cadiz, do không thể dỡ hàng hóa.
Theo một nguồn tin trong ngành năng lượng, Tây Ban Nha chỉ có 6 chỗ đỗ tại các trạm LNG trong tuần này, tức chưa tới 1/5 số tàu đang ùn ứ ngoài khơi nước này. Tây Ban Nha có tổng số 6 trạm LNG.
Trong một tuyên bố hôm 17/10, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Enagas của Tây Ban Nha cho biết họ có thể phải từ chối một số chuyến tàu chở LNG do tình trạng quá tải tại các nhà máy xử lý khí đốt. Công ty này cho biết tình trạng thiếu chỗ đỗ cho các tàu LNG tại các nhà máy xử lý khí đốt ở Tây Ban Nha còn kéo dài cho đến đầu tháng 11.
Ngoài Tây Ban Nha, còn có nhiều tàu chở LNG cũng đang mắc kẹt ngoài khơi bờ biển của một số quốc gia châu Âu khác.
Tình trạng ùn ứ tại các trạm LNG của Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Ông Oystein Kalleklev, Giám đốc Công ty quản lý tàu chở khí đốt FLEX LNG Management, cho biết: “Hiện tại có khoảng 2,5 triệu tấn LNG đang mắc kẹt trên các tàu chở khí đốt ngoài khơi châu Âu”.
Việc thiếu các nhà máy xử lý LNG hoặc đường ống kết nối giữa các quốc gia có nhà máy này với các thị trường châu Âu đồng nghĩa với việc LNG trên các tàu ngoài khơi không thể sử dụng.
Ông Alex Froley, nhà phân tích LNG tại công ty tình báo dữ liệu ICIS cho biết: “Chúng tôi đã thấy lượng lớn tàu chở hàng đang chờ ngoài khơi ở miền nam Tây Ban Nha, quanh Địa Trung Hải cũng như một số hàng hóa đang chờ ngoài khơi Vương quốc Anh”.
Ông chỉ ra bên cạnh việc thiếu công suất xử lý, tình trạng tắc nghẽn xảy ra do nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp châu Âu đang sụt giảm trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.. Mức tiêu thụ nội địa ở Tây Ban Nha cũng thấp hơn dự kiến do thời tiết ấm áp bất thường.
Tàu chở LNG SCF La Perouse đi dọc theo Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga ngày 13/6. Ảnh minh họa: Reuters
Chuyên gia Froley của ICIS chỉ ra một lý do khác dẫn đến tình trạng tắc nghẽn là do nhiều tàu chở LNG muốn đợi tới mùa đông, thời điểm nhu cầu tiêu thụ khí đốt lớn, khiến giá mặt hàng này tăng mạnh. Họ muốn bán hàng với giá cao hơn có thể bù đắp thêm chi phí vận chuyển trong thời gian chờ đợi.
“Chiến lược này có hiệu quả một phần vì một số công ty có thể linh hoạt trong danh mục vận chuyển bởi sự cố ngừng hoạt động như đóng cửa nhà máy Freeport của Mỹ”, ông Froley nói và đề cập đến nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai của Mỹ đã tạm dừng hoạt động vào tháng 6 sau một vụ nổ gây hỏa hoạn. “Nếu hàng được sản xuất nhiều hơn, các công ty có thể không thể để tàu của họ chờ đợi lâu như vậy”, ông giải thích.
Giá một lô hàng LNG giao vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 cao hơn giá hiện hành khoảng 2 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh so với giá khí đốt hiện tại.
Tây Ban Nha là nước có công suất xử lý khí LNG lớn nhất châu Âu, chiếm 33% công suất xử lý của khu vực. Trong khi đó, khả năng lưu trữ LNG của nước này cũng là lớn nhất châu Âu khi chiếm 44% khả năng dự trữ khí đốt của toàn khối.
Trong tuần này, các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dự kiến sẽ gặp nhau để nỗ lực đạt được thỏa thuận về đường ống MidCat có thể vận chuyển khí đốt của Tây Ban Nha - và trong tương lai là hydro - đến Trung Âu.
Đường ống MidCat sẽ tạo ra kết nối khí đốt thứ ba giữa Pháp và Tây Ban Nha. Theo các bên ủng hộ gồm Madrid, Lisbon và gần đây là Berlin, đường ống dẫn khí này sẽ giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Trong diễn biến liên quan, hôm 17/10, Trung Quốc đã ngừng bán LNG cho các khách hàng nước ngoài để đảm bảo nguồn cung trong nước. Theo các chuyên gia, động thái này có thể thúc đẩy nhiều tàu chuyển hướng sang châu Á.
Báo Tin Tức