MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng dệt may còn nhiều dư địa tăng trưởng, vì sao?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về dư địa tăng trưởng từ nỗ lực nội tại thì hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng trưởng trong thời gian tới khi mà còn có thể cải thiện để tăng thêm khoảng 30% về năng suất lao động, tăng thêm 20% tỉ lệ nội địa hóa…

Tham luận tại hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”, ThS. Đỗ Kim Chi – Viện nghiên cứu thương mại đánh giá, hàng dệt may Việt Nam hiện đã có “chỗ đứng” tại hầu hết các thị trường trên thế giới, trong đó, chỉ riêng 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.

Hiện Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức và Trung Quốc là các thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại hàng dệt may của Việt Nam, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; thị trường Nhật Bản chiếm trên 12%; Hàn Quốc chiếm trên 9%; tiếp đến thị trường Anh, Trung Quốc và Đức, mỗi nước khoảng 3%.

Triển vọng tăng trưởng kim ngạch dệt may tại các thị trường nhập khẩu chủ yếu còn rất lớn. Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường EU. Với FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo bà Chi, còn tại thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ mặc dù luôn tăng từ 12 - 13%/năm, nhưng thực tế chỉ mới chiếm khoảng 9% tỉ trọng nhập khẩu của thị trường này. Tại thị trường Nhật Bản, với mức tiêu thụ hàng may mặc hàng năm lên tới trên 40 tỉ USD, trong đó hơn 95% phụ thuộc vào nhập khẩu, là thị trường có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) được ký kết tháng 5.2015 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về dư địa tăng trưởng từ nỗ lực nội tại thì hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng trưởng trong thời gian tới khi mà còn có thể cải thiện để tăng thêm khoảng 30% về năng suất lao động, tăng thêm 20% tỉ lệ nội địa hóa qua việc phát triển mạnh hơn công nghiệp phụ trợ, tăng về chất lượng sản phẩm và nhất là tăng năng lực thiết kế thời trang nhằm chuyển phương thức xuất khẩu từ phương thức OEM (gia công đơn thuần) sang ODM (bán sản phẩm có cả thiết kế). Tuy đây là điểm yếu nhất của ngành may mặc Việt Nam hiện nay nhưng cũng chính là dư địa để ngành có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nếu được tập trung cải thiện đúng hướng.

Đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mà Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu ở con số 8% là rất đáng ghi nhận. Dự kiến, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 178 tỉ USD và nhập khẩu đạt 176 tỉ USD.

Theo K.L

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên