Hãng hàng không của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đã qua vòng thẩm định hồ sơ của Cục Hàng không
Cục Hàng không đánh giá, IPP Air Cargo đáp ứng được các điều kiện về phương án đảm bảo có máy bay khai thác, về tổ chức bộ máy và về vốn theo quy định.
- 03-03-2022Bình Dương đưa Quốc lộ 13 thành đại lộ, phát triển Thuận An thành “phố Wall” của tỉnh
- 02-03-2022Quy hoạch tổng thể quốc gia ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế có khả năng liên kết với quốc tế
- 02-03-2022Chuyên gia VinaCapital giải mã tác động giao tranh Nga – Ukraine lên giá dầu, lạm phát và lời khuyên cho NĐT Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Báo cáo do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Sơn ký nêu rõ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của IPP Air Cargo đầy đủ theo quy định.
Cục Hàng không đánh giá IPP Air Cargo đáp ứng được các điều kiện về phương án đảm bảo có máy bay khai thác, về tổ chức bộ máy và về vốn theo quy định. Đồng thời, về năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không, hiện tại, Cục đã đảm bảo được về số lượng giám sát viên an toàn, giám sát viên bay.
Đối với khả năng giám sát an toàn của Cục Hàng không đối với loại máy bay IPP Air Cargo dự kiến khai thác là B737BCF và B777F, phòng chuyên môn về an toàn của Cục đã xác nhận làm việc với Boeing thời gian tới để hoàn toàn đủ năng lực giám sát loại máy bay B737BCF và B777F theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mà IPP dự kiến khai thác tại Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo "việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)". Dự báo năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách, tăng 170 - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019.
Tính riêng thị trường nội địa, ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách, giảm từ 6 - 10% so với năm 2019. Sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.
Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hoá cho IPP Air Cargo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cấp giấy phép cho IPP Air Cargo.
Về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng cảng hàng không, ACV thông báo "cơ sở hạ tầng của ACV có thể đáp ứng 5 vị trí đỗ qua đêm cho các máy bay chở hàng của IPP Air Cargo trong năm đầu tiên (mỗi sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ 1 vị trí đỗ qua đêm)".
Sân bay Vân Đồn đã cũng nhất trí cung cấp dịch vụ cho đội máy bay của IPP Air Cargo tại Vân Đồn.
Như vậy, thông báo của ACV và sân bay Vân Đồn phù hợp với kế hoạch khai thác đội máy bay, mạng đường bay giai đoạn từ năm đầu tiên đến năm thứ 5 tham gia thị trường, tăng đội máy bay từ 5 chiếc (năm thứ nhất) lên thành 10 chiếc (năm thứ 5) như IPP Air Cargo xây dựng.
Theo Đề án khai thác, hãng hàng không của ông Johnathan sẽ chỉ đỗ qua đêm 1 máy bay tại Nội Bài, 1 máy bay tại Tân Sơn Nhất (là 2 sân bay quá tải vị trí đỗ) và phân bố máy bay đỗ qua đêm tại Đà Nẵng (3), Cam Ranh (1), Cát Bi (1), Cần Thơ (1), Vân Đồn (1) và Liên Khương (1).
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng đã thông báo "bảo đảm việc cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay cho các chuyến bay của IPP Air Cargo khai thác trong khu vực đường hàng không, trong khu vực kiểm soát của các cơ sở điều hành bay thuộc VATM".